TIN TỨC > CHUYÊN MỤC ĐOÀN THANH NIÊN

Có 12,449 người đã xem bài viết này!

Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 03/2019


THÁNG THANH NIÊN

Chủ đề: “Tuổi trẻ Đà Nẵng sáng tạo xây dựng thành phố

  

I. CÂU CHUYỆN THÁNG 3 – THÁNG THANH NIÊN

Chắc hẳn cũng có đôi lần chúng ta tự hỏi vì sao gọi là Tháng Thanh niên, nó bắt nguồn từ đâu, lúc nào…

Tháng ba đang về, tháng của sự nhiệt huyết, của những trái tim khát khao cống hiến… Đâu đó vẫn còn rất nhiều người bằng nhiều cách khác nhau để gọi cho tháng ba này, nhưng đối với những trái tim của tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ thì dường như cái tên “Tháng Thanh niên” vẫn là cái tên trọn vẹn nhất.

Tìm lại những tư liệu từ báo chí, có một đoạn tin vắn trên báo Người Lao động: “Ngày 20-2, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo về “Tháng Thanh niên” năm 2004. Đồng chí Hoàng Bình Quân, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, cho biết đây là năm đầu tiên Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy tháng 3 hằng năm là “Tháng Thanh niên”

Ngược lại dòng lịch sử theo các tư liệu của đoàn, các hoạt động thanh niên tình nguyện có từ trước năm 2000 với các hoạt động tình nguyện ở các cơ sở, mạnh nhất là ở TP Hồ Chí Minh. Qua thực tiễn, muốn phong trào thanh niên tình nguyện phát triển sôi động, hiệu quả, đồng thời tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ thì cần phải có không gian, thời gian thỏa đáng hơn để thu hút, tập hợp đông đảo thanh niên tham gia với các công trình, phần việc cụ thể, vì thế, cần có một “Tháng Thanh niên”.

Tuy nhiên, để được Đảng, Chính phủ đồng ý lấy tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên không đơn giản là trình xin chủ trương. Để thuyết phục, Đoàn Thanh niên tự phát động Tháng Thanh niên năm 2003 với tinh thần “Thanh niên hành động vì cộng đồng, xã hội chăm lo, bồi dưỡng Thanh niên”. Năm đó, Tháng Thanh niên rất thành công, không chỉ lôi cuốn thanh niên tham gia sôi nổi mà còn thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Tháng Thanh niên 2003 đã thực sự tạo dấu ấn rất mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội.

Từ thực tiễn thành công đó, Đoàn Thanh niên báo cáo, trình xin chủ trương, đề xuất và được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý cho lấy Tháng 3 hàng năm là “Tháng Thanh niên” trong văn bản gửi Trung ương Đoàn ngày 16/10/2003. Đến ngày 10/1/2004, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về “Tháng Thanh niên” tới các Bộ, ngành và các cấp chính quyền trong cả nước.

Chắc hẳn không phải bàn nhiều vì sao gọi là Tháng Thanh niên, nó bắt nguồn từ đâu, lúc nào…, người ta có thể biết được câu trả lời qua những màu áo xanh, qua những hành động của những tấm gương thanh niên luôn cống hiến sức trẻ của mình cho cộng đồng bằng những việc làm giản đơn, từ những hành động bắt đầu từ trái tim.

Tháng Thanh niên 2018 với chủ đề “Tuổi trẻ Đà Nẵng sáng tạo xây dựng thành phố đã khởi động, còn chờ gì nữa mà không thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết, cháy lên ngọn lửa khát khao cống hiến. Tháng 3 là tháng thanh niên, tháng hành động của tuổi trẻ cả nước, của tôi và của bạn. Cùng thanh niên cả nước, tuổi trẻ thành phố Đà Nẵng anh hùng góp thêm những câu chuyện đẹp về tinh thần xung kích tình nguyện sáng tạo hội nhập. Hãy để mỗi tháng trôi qua đều là tháng thanh niên, mỗi ngày trôi qua đều là ngày của sức trẻ!

 

II. SỰ KIỆN LỊCH SỬ THÁNG 3

- 03/3/1959: Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng

- 03/3/1989: Ngày Biên phòng toàn dân

- 08/3/40: Ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40- 43 sau công nguyên)

- 08/3/1910: Ngày Quốc tế Phụ nữ

- 20/3/2013: Ngày Quốc tế Hạnh phúc

- 26/3/1931: Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

- 27/3/1946: Ngày Thể thao Việt Nam

 

26/3/1931: NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

(Đề cương tuyên truyền đăng trên Trang thông tin điện tử Thành Đoàn

http://www.thanhdoandanang.org.vn)

 

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG THÁNG THANH NIÊN 2018

1. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam; tuyên truyền về Tháng Thanh niên; tuyên truyền trong đoàn viên, thanh niên về Nghị quyết Đại hội Đoàn thành phố lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI nhiệm kỳ 2017 – 2022.

2. Triển khai Cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo”; thành lập Ngân hàng ý tưởng sáng tạo thành phố. Tổ chức cuộc thi sáng kiến thanh niên về phát triển cộng đồng (chăm sóc sức khỏe sinh sản, y tế, giáo dục, việc làm…). Vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia hệ tri thức Việt số hóa để phát triển các công cụ tìm kiếm, dịch thuật, khai phá dữ liệu, quản lý tri thức, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tương tác xã hội... từng bước hướng thế hệ trẻ sử dụng các sản phẩm trên môi trường mạng do Việt Nam phát triển.

3. Tổ chức các hoạt động tuổi trẻ thành phố chung tay tham gia xây dựng nông thôn mới: tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (đường giao thông, cầu giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng); các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước; tổ chức hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh” tổ chức trồng cây, trồng rừng; tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới; các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất mới và thông tin thị trường cho thanh niên nông thôn; các hoạt động hỗ trợ vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế.

4. Tổ chức các hoạt động thanh niên tham gia xây dựng đô thị văn minh: tham mưu và đề xuất với cấp ủy, chính quyền đảm nhận thực hiện các công trình, công việc gắn với tham gia xây dựng đô thị văn minh; xây dựng và triển khai các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn giao thông, tham gia giữ gìn trật tự đô thị; đảm nhận xây dựng mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các tuyến đường (phố, làng, xóm, ngõ, hẻm) thanh niên tự quản “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp – Văn minh - An toàn” trên địa bàn toàn thành phố; xóa các điểm đen về môi trường, các điểm tập kết rác sai quy định.

5. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; nâng cao nhận thức, năng lực của cán bộ Đoàn các cấp về khởi nghiệp. Tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp: hỗ trợ thanh niên ứng dụng phần mềm phát triển thị trường; hỗ trợ thanh niên nông thôn ứng dụng công nghệ mới, khoa học kỹ thuật công nghệ cao nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Triển khai các Cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên" lần thứ hai và Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn" lần thứ nhất.

6. Triển khai các hoạt động an sinh xã hội, phục vụ nhân dân: tư vấn sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho người nghèo và đối tượng chính sách; tổ chức hiến máu tình nguyện; tổ chức các hoạt động tình nguyện vì an sinh xã hội với đối tượng gia đình chính sách, gia đình chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo; sửa chữa nhà cho đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên; tổ chức “Ngày thứ bảy tình nguyện hỗ trợ nhân dân về thủ tục hành chính”.

7. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2018), 43 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2018); tuyên dương cán bộ Đoàn giỏi các cấp và tham gia Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2018. Tổ chức đối thoại, trao đổi giữa cấp uỷ đảng, lãnh đạo, chính quyền với các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên; tổ chức Ngày đoàn viên 2018; tập trung công tác phát triển đoàn viên mới; bồi dưỡng đoàn viên ưu tú và trao danh sách giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp; tiếp tục củng cố và xây dựng tổ chức Đoàn – Hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

8. Tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên, tập trung triển khai trong các đối tượng: học sinh các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; bộ đội xuất ngũ; thanh niên nông thôn; thanh niên khuyết tật. Triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em; xây dựng và tổ chức các điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi trên địa bàn.

  

IV. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ THANH NIÊN VÀ THÁNG THANH NIÊN

 

Theo Tạp chí Tuyên giáo, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức, đoàn kết, tập hợp thanh niên là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam. Muốn phát huy sức mạnh của thanh niên thì phải thông qua tổ chức, không có tổ chức thì Đảng không nắm được thanh niên.

Trong thư gửi thanh niên Việt Nam năm 1925, Hồ Chí Minh chỉ rõ, ở Đông Dương có đủ cơ sở vật chất (hầm mỏ, hải cảng, đồng ruộng…) chỉ “thiếu tổ chức và người tổ chức”. Đây là một nhận định hết sức sáng suốt. Vì lẽ đó, Hồ Chí Minh coi công tác vận động thanh niên là nhiệm vụ trọng tâm của mình, và sau khi dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ V và Đại hội Quốc tế thanh niên cộng sản lần thứ IV (1924), Người dốc sức tiến hành công tác tổ chức, lập ra Việt Nam Thanh niên cách mệnh Đồng chí hội. Chính Hồ Chí Minh là người trực tiếp tuyển chọn, bồi dưỡng đồng chí hội. Chính Hồ Chí Minh là người trực tiếp tuyển chọn, bồi dưỡng những hạt giống đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản ở nước ta.


Những điểm chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản, về chức năng, nhiệm vụ của Đoàn, Hồ Chí Minh chỉ rõ Đoàn Thanh niên là tổ chức thanh niên cộng sản, là đội dự bị tin cậy của Đảng, là người đại diện của thanh niên, là hạt nhân đoàn kết, giáo dục và phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là người phụ trách, dìu dắt thiếu niên, nhi đồng.

Tất cả những điều đó được thể hiện ở huy hiệu Đoàn. Huy hiệu của thanh niên ta là: “Tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”. Ý nghĩa của nó là thanh niên phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, đồng thời phải vui vẻ và hoạt bát.

Trong mối quan hệ giữa Đoàn với Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng về đường lối chính trị thì thanh niên theo Đảng chỉ huy, nhưng việc làm thì thanh niên độc lập; trong mọi công việc, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải gương mẫu để lôi cuốn nhân dân cùng tiến bộ; mọi công việc đều vì lợi ích của nhân dân mà làm.

Về mối quan hệ giữa Đoàn với thanh niên, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đoàn phải liên hệ rộng rãi và chặt chẽ với các tầng lớp thanh niên. Phải quan tâm đến đời sống, công tác và học tập của thanh niên, phải tránh thành kiến, hẹp hòi, cô độc. Phải thật thà, đoàn kết với anh chị em thanh niên trong Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng củng cố, phát triển Đoàn và tổ chức phong trào thanh niên. Người chỉ rõ: “Phải củng cố tổ chức của Đoàn. Phải đoàn kết nội bộ chặt chẽ, và phải đoàn kết rộng rãi với các tầng lớp thanh niên”; “Cần phát triển Đoàn hơn nữa, nhưng phải chọn lọc cẩn thận, trọng chất lượng hơn số lượng”; “Muốn củng cố và phát triển Đoàn thì tất cả đoàn viên phải làm gương mẫu: Phải giữ vững đạo đức cách mạng; phải khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm;... (Trích nguyên văn câu nói của Hồ Chí Minh).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên đã được Đảng ta quán triệt trong nhiều nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, trong nhiều văn bản của Nhà nước ta đã ban hành. Vì vậy, quá trình nghiên cứu, học tập và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh cần kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện có kết quả các chủ trương của Đảng về đổi mới công tác thanh niên.

Đoàn Thanh niên phải tích cực, chủ động hơn trong việc phối hợp với các ngành, đoàn thể nhằm giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho thế trẻ, đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành các thể chế, chính sách cụ thể theo tư tưởng Hồ Chí Minh (như đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chính sách giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội của thanh niên, bồi dưỡng tài năng trẻ ... nhằm tạo ra những điều kiện và môi trường thuận lợi cho quá trình giáo dục và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong thanh thiếu niên.

Từ phong trào thanh niên xung phong đến phong trào thanh niên tình nguyện:

Theo PGS. TS Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, thanh niên nước ta từ thế hệ này đến thế hệ khác đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Trong những năm tháng chiến tranh, hàng triệu thanh niên Việt Nam đã xung phong ra trận với khát vọng hòa bình, độc lập và tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” đã trở thành những ngọn đuốc soi đường cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam xả thân cống hiến vì đất nước.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, thanh niên Việt Nam đã tình nguyện xung phong tới những nơi khó khăn, gian khổ nhất, lao động quên mình trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, hăng hái tham gia các phong trào lao động, sản xuất, rà phá bom mìn, phục hóa, khai hoang, xây dựng những khu kinh tế mới, làm đường giao thông, công trình thủy điện, xây dựng các nhà máy, nông trường, giữ vững biên cương và làm nghĩa vụ quốc tế…

Truyền thống tình nguyện, hy sinh lợi ích của bản thân để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc đã làm nên đặc trưng và bản chất anh hùng của thế hệ trẻ mang tên Bác Hồ vĩ đại. Xung kích, tình nguyện đã trở thành một phẩm chất tốt đẹp, được trao truyền từ thế hệ thanh niên này đến thế hệ thanh niên khác; là điểm tựa vững chắc cho tuổi trẻ hôm nay vững bước cùng dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


Tiếp nối tinh thần “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, từ chương trình “Ánh sáng văn hóa hè”, các hoạt động tình nguyện ngày càng phát triển, lớn mạnh trở thành phong trào. Năm 2000, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chính thức phát động trong toàn quốc phong trào “Thanh niên tình nguyện”. Từ đó đến nay, trải qua hơn 15 năm, phong trào đã không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng; nội dung và phương thức hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú và thiết thực, thu hút sự tham gia của đông đảo các đối tượng thanh niên, đã lan tỏa tinh thần tình nguyện và các giá trị tích cực của phong trào sang các lực lượng xã hội khác.

Lịch sử các phong trào hành động cách mạng đã chứng minh, phong trào nào kế thừa và phát huy được những giá trị của truyền thống và thời đại, phù hợp với nhu cầu của thanh niên và yêu cầu của đất nước thì qua thời gian, phong trào đó càng lớn mạnh. Có thể khẳng định, các phong trào tình nguyện và hoạt động của Đoàn gắn chặt với nhau trong bản chất như là sự tự thân xuất phát từ khát vọng cống hiến của tuổi trẻ vì mục tiêu cao cả của dân tộc và thời đại.

Phong trào “Thanh niên tình nguyện” là sự kế thừa của tinh thần “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” năm xưa đã trở thành bài ca của lớp trẻ hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa động viên lực lượng thanh niên tham gia vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế, giải quyết những khó khăn của cộng đồng, vừa là môi trường sinh động để thanh niên rèn luyện, thử thách; là trường học thực tiễn mang lại những kiến thức, vốn sống vô cùng phong phú cho thế hệ trẻ./.

 

V. NHỮNG SỰ KIỆN LỚN CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRONG “THÁNG THANH NIÊN” 2018.

 

1. Tổ chức Lễ phát động tháng thanh niên và ra quân Tết trồng cây năm 2018.

2. Tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đoàn thành phố lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2017-2022.

3. Tổ chức Lễ phát động hưởng ứng năm An toàn giao thông toàn quốc 2018.

4. Tổ chức Chương trình “Đối thoại tháng 3”

5. Tổ chức Hội trại “Tổ quốc nhìn từ biển” chào mừng kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2018).

6. Tổ chức Giải bóng đá sinh viên năm 2018.

7. Vẽ tranh thiếu nhi “Em lớn lên cùng thành phố anh hùng” năm 2018.

8. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng.

 

Nguồn: Ban Tuyên giáo – Thành Đoàn Đà Nẵng.

CÁC TIN LIÊN QUAN

Trang 1 2 3 4 5