TIN TỨC > CHUYÊN MỤC ĐOÀN THANH NIÊN

Có 14,304 người đã xem bài viết này!

Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 4/2020


I. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI BÁC

 

CHUYÊN ĐỀ

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH

HỒ CHÍ MINH GẮN VỚI VIỆC XÂY DỰNG TỔ CHỨC ĐOÀN VỮNG MẠNH; MỞ RỘNG MẶT TRẬN ĐOÀN KẾT, TẬP HỢP THANH NIÊN

 

------------

 

Phần thứ nhất

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG TỔ CHỨC ĐOÀN VỮNG MẠNH, MỞ RỘNG MẶT TRẬN ĐOÀN KẾT, TẬP HỢP THANH NIÊN

----

 

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh

Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm vấn đề tổ chức thanh niên, xuất phát từ sự đánh giá của Người về vai trò và khả năng cách mạng của thanh niên trong tiến trình lịch sử. Người thấy rõ, muốn giải phóng dân tộc, muốn thành công xã hội mới, thanh niên phải được giáo dục, bồi dưỡng và tổ chức lại thành lực lượng, xuất phát từ vai trò, vị trí, quyết định của họ trong cách mạng. Theo Người: “… nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”[1]. Mục đích cuối cùng của việc nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò và khả năng cách mạng của thanh niên theo quan điểm Hồ Chí Minh là để tổ chức thanh niên thành lực lượng chính trị hùng hậu của Đảng.

Để phát huy vai trò của thanh niên, Hồ Chí Minh rất coi trọng nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục và tổ chức thanh niên. Người viết: “Ở Đông Dương, chúng ta có tất cả những cái mà một dân tộc có thể mong muốn… nhưng chúng ta thiếu tổ chức và thiếu người tổ chức”[2]. Để đi tới việc thành lập Đảng, Hồ Chí Minh đã hình thành một tổ chức của thanh niên - Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, với tư cách là tiền thân của Đảng. Đây chính là sự thể hiện trong thực tiễn luận điểm quan trọng của Người về hồi sinh thanh niên, thức tỉnh thanh niên không chỉ bằng báo chí, tuyên truyền mà phải tổ chức họ lại, đưa họ ra đấu tranh.

Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh đến xây dựng một tổ chức thanh niên Cộng sản làm cánh tay và đội hậu bị cho Đảng. Trong quan điểm của Người: Đoàn “Là cánh tay đắc lực của Đảng để thực hiện những chủ trương và chính sách cách mạng”[3], trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đoàn không chỉ là cánh tay mà còn là “…đội hậu bị của Đảng”[4],nghĩa là, Đoàn là một tổ chức chính trị gần Đảng nhất và chỉ lớp người đi sau trong mối quan hệ với lớp chiến sỹ cách mạng đàn anh đi trước.

Về chức năng của Đoàn, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ Đoàn là: Người phụ trách dìu dắt các cháu nhi đồng”. Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chức năng của Đoàn Thanh niên được thể hiện hoàn chỉnh trong các mối quan hệ cơ bản nhất phản ánh tính chất của Đoàn là “đội xung kích cách mạng”.

Đoàn muốn mạnh thì mỗi thành viên trong tổ chức đều mạnh. Như vậy, rõ ràng chất lượng của tổ chức Đoàn được nâng lên từ chất lượng của từng đoàn viên. Đây chính là mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng đoàn viên trong tổ chức đoàn. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ nhất (2/1950) đã nêu lên vấn đề sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do chạy theo số lượng nên nhiều địa phương đã phát triển theo kiểu “đánh trống ghi tên”. Đại hội đã nghiêm khắc phê phán hiện tượng này và đề ra những chủ trương phải xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn với tư cách là “Một tổ chức trung kiên” của thanh niên có lòng yêu nước, tự nguyện phấn đấu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân.

Luận điểm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng đoàn viên rất rõ ràng. Người nhiều lần khẳng định: “Tổ chức của Đoàn phải rộng hơn Đảng… Cố nhiên, khi kết nạp đoàn viên cần phải lựa chọn cẩn thận những thanh niên tốt”[5]; “Cần phải phát triển Đoàn hơn nữa, nhưng phải chọn lọc cẩn thận, trọng chất lượng hơn số lượng”[6]. Như vậy, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng càng khó khăn phức tạp, Người yêu cầu về chất lượng đoàn viên ngày càng cao hơn. Chất lượng cán bộ, đoàn viên được Hồ Chí Minh xác định trong 5 điều Người dạy đoàn viên, thanh niên trong thư Người gửi cho tuổi trẻ cả nước nhân kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945):

“- Phải luôn nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

- Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.

- Luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.

- Luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt mọi mặt để đàn em noi theo”[7].

Để từng bước hình thành những phẩm chất trên, Hồ Chí Minh yêu cầu từng đoàn viên cần ý thức sâu sắc về vai trò, vị trí của mình trong tổ chức đoàn và trong các tập thể thanh niên để ra sức tu dưỡng, rèn luyện. Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Theo quan điểm Hồ Chí Minh, Đảng phải trực tiếp lãnh đạo việc xây dựng, củng cố tổ chức đoàn để đoàn trở thành lực lượng tiên phong chiến đấu của thanh niên, đội hậu bị của Đảng và đặt ra yêu cầu cán bộ, đảng viên phải trực tiếp chăm lo xây dựng, củng cố Đoàn. Nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ đảng cấp huyện (tháng 1/1967), Hồ Chí Minh căn dặn chi bộ phải chăm lo xây dựng Đoàn Thanh niên cho thật tốt, vì “Đoàn viên và các đội thanh niên xung phong là cánh tay của chi bộ”[8].

Khi đến thăm các địa phương, đơn vị cơ sở, hoặc thay mặt Trung ương Đảng kêu gọi cán bộ, đảng viên, cũng như khi nhắc tới đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc tới đoàn viên. Trong lễ chúc mừng Đảng ta 30 tuổi (1/1960), Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương kêu gọi:...toàn thể đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động, bất kỳ ở cương vị nào, làm công việc gì đều phải trau dồi đạo đức cách mạng, tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân, cố gắng học tập chính trị, văn hóa và khoa học kỹ thuật, làm tốt công tác kinh tế, tài chính, gương mẫu trong mọi việc làm”[9]. Đối với Người hai khái niệm đảng viên và đoàn viên luôn đi liền với nhau.

Để Đoàn phát triển mạnh mẽ, vững chắc, theo Hồ Chí Minh cần phải phát động phong trào thi đua yêu nước, vì: “Phong trào thi đua yêu nước làm nảy nở ra nhiều thanh niên tích cực và tiên tiến ở các ngành, các nghề. Đó là điều kiện thuận lợi giúp cho Đoàn phát triển mạnh mẽ và vững chắc”[10]. Vì vậy, xây dựng củng cố tổ chức Đoàn không chỉ là giữ sinh hoạt cho đều, nắm được danh sách đoàn viên, thu được đoàn phí, tổ chức học tập lý luận … mà quan trọng nhất là phải thông qua hoạt động thực tiễn, qua phong trào hành động từ đó phát hiện những nhân tố tích cực mà bồi dưỡng, tuyển chọn để đưa vào Đoàn nhằm tăng sức chiến đấu cho Đoàn. Tổ chức đoàn chỉ có thể phát triển và trở thành vững mạnh khi thực hiện tốt vai trò đầu tàu, quy tụ thanh niên tham gia phấn đấu cho mục đích lý tưởng. Người dạy: “Thanh niên phải làm xung phong đến những nơi khó khăn, gian khổ nhất. Nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt”[11].

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên

Một là, mục tiêu của tổ chức, tập hợp thanh niên là để xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh

Mục tiêu của đoàn kết, tập hợp thanh niên là hình thành một mặt trận rộng lớn, một nhiệm vụ rất quan trọng của Đoàn mà Người luôn căn dặn phải thực hiện cho tốt. Người chỉ ra rằng muốn xây dựng và phát triển Đoàn thành một lực lượng vững chắc trước hết phải đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên, tránh cô độc, hẹp hòi.

Huấn thị tại Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội (27/9/1945) điều đầu tiên Người nêu ra là thanh niên phải hình thành một mặt trận thống nhất. Đầu năm 1946, Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Mặt trận đoàn kết thanh niên do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm trụ cột, lấy tên là Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam (sau đổi tên là Liên đoàn Thanh niên Việt Nam). Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng”[12], nên thanh niên phải được đoàn kết, tập hợp lại.

Hai là, cần phải đưa thanh niên vào các loại hình tổ chức thích hợp để ai cũng được giáo dục, rèn luyện, trưởng thành.

Tại Đại hội xứ Đoàn Thanh niên Cứu quốc Bắc Bộ (25/11/1945), huấn thị với các đại biểu, Hồ Chí Minh phê bình: “Trong tổ chức thanh niên vẫn còn giữ một xu hướng chật hẹp, không bao bọc được nhiều giai tầng, không kéo được đại đa số thanh niên”[13]. Vì lẽ đó, đến đầu năm 1946, Hồ Chí Minh chỉ thị phải hình thành Mặt trận đoàn kết thanh niên.

Năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến thành lập các đơn vị thanh niên xung phong công tác mà Người cho rằng đây là nơi tập hợp rộng rãi các đối tượng thanh niên và là trường học thực tiễn của thanh niên. Do sáng kiến độc đáo của Người nên lúc đó các đơn vị thanh niên xung phong công tác còn có tên gọi là Thanh niên xung phong của Bác Hồ. Thanh niên xung phong đã tồn tại và phát triển, trở thanh nơi tập hợp đội viên hoạt động ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, đảm nhiệm những công việc ở nơi khó khăn gian khổ rất có hiệu quả, đồng thời là môi trường rèn luyện của nhiều thế hệ thanh niên nước ta.

Ba là, yêu cầu về hình thức và phương pháp đoàn kết, tập hợp các tầng lớp thanh niên.

Hồ Chí Minh yêu cầu tổ chức Đoàn các cấp: “Về phần mình, thì Đoàn cần phải nghiên cứu tìm ra những hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc”[14]. Theo Người, việc tìm tòi và ứng dụng có hiệu quả những hình thức, phương pháp thích hợp để đoàn kết, tập hợp các tầng lớp thanh niên là một quá trình nghiên cứu khoa học đòi hỏi tinh thần sáng tạo cũng như sự kiên trì, đặc biệt là đi sâu, đi sát thanh niên, hiểu được tâm tư, khát vọng của họ.

Bên cạnh việc tập hợp rộng rãi thanh niên tham gia, các hình thức, phương pháp phải có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, có tính ổn định và triển vọng phát triển. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết là lực lượng mạnh nhất của chúng ta”[15], nghĩa là phát huy được lực lượng sẽ tạo ra sức mạnh. Người nhắc nhở cán bộ, đoàn viên “Phải thật thà đoàn kết và hợp tác với anh em thanh niên trong Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam”[16].

Bốn là, phải bảo đảm mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ, mật thiết giữa tổ chức đoàn với đông đảo thanh niên.

Điều kiện quyết định thắng lợi việc mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên theo quan điểm Hồ Chí Minh là: Muốn đoàn kết thì tất cả cán bộ, đoàn viên phải gương mẫu, phải giữ vững đạo đức cách mạng, phải khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm, “Phải xung phong trong mọi công tác; xung phong là đi trước, làm trước để lôi cuốn quần chúng, chứ không phải là xa rời quần chúng”[17]. Và hơn thế muốn thực hiện đoàn kết, tập hợp đông đảo thanh niên, vấn đề sống còn của Đoàn là phải bảo đảm mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết giữa tổ chức đoàn với đông đảo thanh niên, phải bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và chất lượng đoàn viên với phương châm “trọng chất hơn lượng”.

Đoàn Thanh niên trước hết là tổ chức của những thanh niên tiên tiến, nhưng Đoàn lại là người đại diện lợi ích chính đáng của thanh niên vì vậy Đoàn cũng là tổ chức của thanh niên, vì thanh niên. Vì vậy, theo Người: Trong hoàn cảnh nào, Đoàn Thanh niên phải củng cố và phát triển hơn nữa”[18], chính là do yêu cầu tự thân của Đoàn. Một tổ chức quần chúng, từ quần chúng mà ra thì mối liên hệ với quần chúng là điều kiện tiên quyết để tồn tại và phát triển. Đó là mối quan hệ được xem như là máu thịt.

Theo Hồ Chí Minh: “Muốn củng cố và phát triển, thì Đoàn phải liên hệ rộng rãi và chặt chẽ với các tầng lớp thanh niên. Phải quan tâm đến đời sống công tác, học tập của thanh niên”[19]. Mối liên hệ này được thể hiện trên cả hai mặt: Vừa rộng rãi, tức là không bỏ sót một đối tượng nào, lại vừa chặt chẽ. Chặt chẽ ở đây chính là sự gắn bó mật thiết để hiểu được những gì thanh niên đang cần đến Đoàn, đang mong mỏi Đoàn và ngược lại. Nhưng cao hơn thế, không chỉ nắm được, hiểu được mà còn “Phải quan tâm đến đời sống, công tác và học tập của thanh niên”[20]. Người đặt vấn đề đời sống lên trên bởi lẽ thanh niên là lớp người mới bước vào đời, mới bắt đầu xây dựng cho mình cuộc sống tự lập nên họ thường gặp rất nhiều khó khăn; họ cần tìm đến Đoàn như là người bạn đồng hành gần gũi nhất để có thể chia sẻ và giúp đỡ họ. Thanh niên cần được tạo điều kiện để học tập và làm việc. Học tập để tích lũy kiến thức và làm việc để cống hiến. Đó là hai vấn đề mà ở bất cứ ở đâu, hoạt động trên lĩnh vực nào, thanh niên đều cần được giúp đỡ.

Còn tiếp....

Nguồn: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh


II. TRUYỀN THỐNG

2. Ngày truyền thống

LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG 10/3 ÂM LỊCH

Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương, là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.

Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.

Từ xa xưa Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.

Như vậy, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.

Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.

Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.

Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin - thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch).

Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/11/2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, cụ thể như sau:

- “Năm chẵn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”; Bộ Văn hoá - Thông tin và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.

- “Năm tròn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5”; Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.

- “Năm lẻ” là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thông tin dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.

Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Trong hồ sơ đề trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. 

Nguồn: Báo đầu tư online

LỊCH SỬ NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC 30/4/1975

Mùa Xuân năm 1975, nhân dân Việt Nam ta đã ghi một chiến công vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử anh hùng của dân tộc: sau 55 ngày đêm tiến công thần tốc đã quét sạch toàn bộ chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng miền Nam thân yêu, giành lại độc lập hoàn toàn cho đất nước.

Tháng Giêng năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Mặc dầu đã bị thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai vẫn ngoan cố theo đuổi âm mưu áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới lên toàn bộ miền Nam nước ta. Chúng đã trắng trợn chà đạp hầu hết các điều khoản chủ yếu của Hiệp định, tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới trên quy môn lớn bằng các kế hoạch "tràn ngập lãnh thổ" và những cuộc hành quân "bình định" lấn chiếm vùng giải phóng, chồng chất muôn vàn tội ác đối với đồng bào ta.

Đánh giá đúng âm mưu của kẻ thù, Đảng ta nhận định rằng, bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam cũng phải là con đường bạo lực, kiên quyết dùng chiến tranh cách mạng đánh bại cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới của Mỹ - ngụy.

Sau hai năm 1973, 1974 và nhất là từ chiến thắng giải phòng toàn tỉnh Phước Long, cục diện chiến trường miền Nam đã thay đổi một cách căn bản, có lợi cho ta. Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng, tháng 10-1974 và đầu năm 1975, đã kịp thời đánh giá đúng lực lượng so sánh giữa ta và địch, vạch rõ sự xuất hiện của thời cơ lịch sử và hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt mùa Xuân năm 1975.

Ngày 10-3-1975 cuộc Tổng tiến công chiến lược và nổi dậy vĩ đại được mở đầu bằng trận đánh hết sức táo bạo, bất ngờ của quân ta vào thị xã Buôn Mê Thuột - một vị trí then chốt, hiểm yếu trong hệ thống phòng ngự của quân địch ở Tây Nguyên. Trận đánh trúng huyệt đó đã làm rung chuẩn toàn bộ Tây Nguyên và bắt đầu quá trình sụp đổ không thể cứu vãn nổi của ngụy quân và ngụy quyền Sài Gòn. Sau thất bại nặng nề và choáng váng đó, quân ngụy phải rút khỏi Kon Tum và Plây Cu ngày 24-3, cả vùng Tây Nguyên rộng lớn đã được hoàn toàn giải phóng.

Một cao trào tiến công và nổi dậy đã dâng lên mạnh mẽ ở các tỉnh ven biển miền Trung Trung Bộ. Các tỉnh thành được giải phóng với một nhịp độ dồn dập.

(tham khảo đường link bên dưới)

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã toàn thắng. Miền Nam nước ta đã hoàn toàn giải phóng. Trong 55 ngày đêm chiến đấu dồn dập và thần tốc, anh dũng và táo bạo, quân và dân ta đã đập tan hoàn toàn bộ máy chiến tranh khổng lồ và hiện đại của quân ngụy đông tới 1.351.000 tên, được xếp vào loại mạnh nhất ở Đông Nam Á, đã xóa bỏ hoàn toàn bộ máy ngụy quyền từ trung ương tới cơ sở mà Mỹ đã dày công gây dựng và nuôi dưỡng từ hơn hai chục năm nay. Chế độ thực dân mới đã hoàn toàn bị sụp đổ. Tổng tiến công và nỗi dậy mùa Xuân 1975 đã đập tan toàn bộ lực lượng quân sự địch.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài nhất, gian khổ nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài 117 năm của đế quốc xâm lược trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta vĩnh viễn độc lập, thống nhất và đưa cả nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Dân tộc ta bước vào kỷ nguyên phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử 4.000 năm của mình - kỷ nguyên Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa xã hội.

Đối với đế quốc Mỹ, đây là một thất bại nặng nề nhất, nghiêm trọng nhất trong toàn bộ lịch sử 200 năm của nước Mỹ. Thất bại đó đã đánh dấu một thời kỳ suy sụp mới, toàn diện của chủ nghĩa đế quốc Mỹ - "Thời kỳ sau Việt Nam" và khẳng định sự phá sản không tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân kiểu mới.

Thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta là một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính chất thời đại sâu sắc. Thắng lợi đó đã mở ra một thời kỳ mới vô cùng thuận lợi cho phong trào cách mạng thế giới, càng thúc đẩy mạnh mẽ thế tiến công chiến lược của ba dòng thác cách mạng.

Thắng lợi của Việt Nam một lần nữa làm sáng tỏ chân lý vĩ đại: "Trong thời đại ngày nay, khi các lực lượng cách mạng thế giới ở thế tiến công, một dân tộc nước không rộng, người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một đảng Mác-Lê-nin có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, được sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới, thì hoàn toàn có thể đánh thắng mọi thế lực đế quốc xâm lược, dù đó là tên đế quốc đầu sỏ" (nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng cộng sản Việt Nam).

Nguồn: www.lichsuvietnam.vn

 

TIỂU SỬ V. I. LÊNIN ( 22/4/1870  - 21/4/1924 )

Vơlađimia Ilich Lênin (Vladimir Ilyich Lenin) là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của Các Mác và Phriđơrich Ăngghen. Ông là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng tháng Mười Nga, thành lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo (7/11/1917). Ông là trong 100 người có ảnh hưởng nhất đến toàn thế giới.

Vơlađimia Ilich Lênin (Vladimir Ilyich Lenin) sinh ngày 22 tháng Tư năm 1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk).

Vơlađimia Ilich Lênin tên thật là Vơlađimia Ilich Ulianôp (Vladimir Ilyich Ulianov), các bí danh đã dùng là V. Ilin, K. Tulin, Karpov và những bí danh khác.

Năm 1887, V. I. Lênin tốt nghiệp xuất sắc bậc Trung học được nhận Huy chương vàng nên được vào thẳng bất kỳ trường Đại học nào ở nước Nga. Ông xin vào học khoa Luật của Đại học Tổng hợp Kazan. Tại đây, V. I. Lênin tham gia nhóm cách mạng trong sinh viên, trở thành thành viên của Hội đồng hương bí mật Samarsko-Simbirskoe. Do tham gia tuyên truyền cách mạng trong sinh viên, tháng Chạp 1887, V. I. Lênin bị đuổi học và bị phát lưu đến làng Kokushino Kazan. Tháng 10 năm 1888, trở về Kazan gia nhập nhóm Mácxít. V. I. Lênin có nghị lực rất cao trong việc tự học. Chỉ trong vòng hai năm miệt mài đèn sách, năm 1891, V. I. Lênin đã thi đỗ tất cả các môn học của chương trình 4 năm khoa Luật trường ĐH Tổng hợp Kazan với tư cách thí sinh tự do. Sau khi tốt nghiệp khoa luật V. I. Lênin làm trợ lý luật sư ở Samara. Tháng 8/1893, chuyển về Peterburg. Năm 1894, trong cuốn Thế nào là những người bạn dân và học chiến đấu chống lại những người xã hội dân chủ như thế nào? Và năm 1899, trong cuốn Sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Nga, V. I. Lênin được thừa nhận là người lãnh đạo của nhóm Mácxít ở Nga.

Mùa thu 1895, V. I. Lênin thành lập ở Pêtecbua (Peterburg) Hội liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân, tập hợp các nhóm cách mạng ở Pêtecbua. Ở Mátxcơva, Kiep, Iarôxlap và những thành phố khác cũng thành lập các hội liên hiệp tương tự. V. I. Lênin đã gặp Nadơgiơđa Conxtantinôva Cơrupxcaia (Nadegiơda Konstantinovna Krupskaia). Hai người yêu nhau và trở thành bạn đời chung thuỷ. Đêm mồng 9 tháng Chạp năm 1895, do bị tố giác, nhiều hội viên của Hội liên hiệp, trong đó có V. I. Lênin bị cảnh sát bắt. Sau 14 tháng bị cầm tù, tháng Hai năm 1897, V. I. Lênin bị đi đày 3 năm ở làng Shushenkoe (miền Đông Sibir). Trong thời gian lưu đày, V. I. Lênin đã viết xong hơn ba mươi tác phẩm, trong đó có cuốn khá đồ sộ: Sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở nước Nga (1899). 

Năm 1900, thời hạn lưu đày của V. I. Lênin kết thúc. Người lại tập hợp những người Mácxít cách mạng thành lập đảng. Chính quyền Nga hoàng cấm V. I. Lênin sống ở Thủ đô và các thành phố lớn. V. I. Lênin phải ra nước ngoài (1900), cùng với Pơlêkhanôp (Plekhanov) lập ra tờ báo Tia lửa. Năm 1903, tại Luânđôn tiến hành Đại hội lần thứ II Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga. V. I. Lênin phát biểu phải xây dựng một đảng Mácxít kiểu mới có kỷ luật nghiêm mình, có khả năng là người tổ chức cách mạng của quần chúng. Nhóm số đông ủng hộ V. I. Lênin gọi là những người Bônxêvich (Bolshevik), nhóm số ít chủ trương thành lập đảng đấu tranh theo kiểu Nghị viện gọi là những người Menxêvich (Menshevik). Về những nguyên tắc tư tưởng và tổ chức của đảng kiểu mới này V. I. Lênin đã trình bày trong cuốn Làm gì (1902) và cuốn Một bước tiến hai bước lùi (1904). Trong thời kỳ cách mạng 1905 - 1907, V. I. Lênin đã phát triển tư tưởng độc quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản thành cách mạng xã hội chủ nghĩa Hai sách lược dân chủ xã hội trong cách mạng dân chủ năm 1905. 

Tháng Tư năm 1905, tại Luânđôn tiến hành Đại hội lần thứ III Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga, V. I. Lênin được bầu là Chủ tịch Đại hội. Tại Đại hội này, Uỷ ban Trung ương đã được bầu ra do V. I. Lênin đứng đầu. Tháng Mười Một năm 1905, V. I. Lênin bí mật trở về Peteburg để lãnh đạo cách mạng Nga. Tháng Chạp 1907, V. I. Lênin sống ở nước ngoài tiếp tục đấu tranh bảo vệ và củng cố đảng hoạt động bí mật. Trong cuốn Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1908) V. I. Lênin phê phán sự xét lại về mặt triết học chủ nghĩa Mác và phát triển những cơ sở triết học của chủ nghĩa Mác. Tháng Giêng năm 1912 lãnh đạo Hội nghị lần thứ VI (Praha) toàn Nga Đảng Công nhân xã hội dân chủ. Tháng Sáu năm 1912 từ Paris chuyển về Krakov lãnh đạo tờ Pravda (Sự thật). Thời kỳ này, V. I. Lênin soạn thảo xong Đề cương Mácxít về vấn đề dân tộc. Cuối Tháng Bảy năm 1914, bị cảnh sát áo bắt nhưng sau đó ít lâu được trả lại tự do và đi Thuỵ Sĩ. Trong thời gian Đại chiến thế giới lần thứ I, V. I. Lênin đưa ra khẩu hiệu biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng. Trong tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc - giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản (1916) và những tác phẩm khác, V. I. Lênin đã phát triển chính trị kinh tế học Mácxít và lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa, kiện toàn những vấn đề cơ bản của triết học Mácxít (Bút ký triết học). Tại Hội nghị quốc tế những người theo chủ nghĩa quốc tế tại Thuỵ Sĩ (1915), V. I. Lênin đã tập hợp những người xã hội dân chủ cánh tả đoàn kết lại. Sau cách mạng Tháng Hai năm 1917, ở Nga tồn tại tình trạng hai chính quyền song song, một bên là chính phủ lâm thời tư sản (chuyên chế của giai cấp tư sản) và một bên là Xôviết các đại biểu công nhân và binh sĩ (chuyên chính vô sản). Những mâu thuẫn kinh tế và chính trị sâu sắc ở nước Nga lúc bấy giờ đòi hỏi phải tiến hành một cuộc cách mạng làm thay đổi tận gốc đời sống chính trị nước Nga. Ngày 16 tháng Tư V. I. Lênin đến Petrograd để trình bày Luận cương Tháng Tư thực chất là một văn kiện mang tính cương lĩnh đề ra đường lối giành chiến thắng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa với khẩu hiệu Toàn bộ chính quyền về tay các Xô Viết! Hội nghị lần thứ VII toàn Nga (Tháng TƯ 1917) của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga đã nhất trí thông qua đường lối do V. I. Lênin đề ra.

Sau cuộc khủng hoảng chính trị ở nước Nga (Tháng Bảy năm 1917), V. I. Lênin buộc phải về vùng Pazzliv cách Pêtrôgrat (Petrograd), nay là Pêtecbua, 34km để tránh sự truy lùng của Chính phủ lâm thời. Từ nơi hoạt động bí mật, V. I. Lênin thường xuyên chỉ đạo phong trào cách mạng nước Nga. Đầu tháng Tám năm 1917, Đại hội lần thứ VI Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga họp bán công khai ở Pêtrôgrat, V. I. Lênin tuy không tham dự nhưng vẫn lãnh đạo Đại hội tiến hành và thông qua đường lối phải khởi nghĩa vũ trang giành lấy chính quyền. Trong thời gian này, V. I. Lênin viết xong cuốn Nhà nước và cách mạng đề ra nhiệm vụ cho giai cấp vô sản phải giành lấy chính quyền bằng con đường đấu tranh vũ trang. Đầu tháng Mười năm 1917, V. I. Lênin từ Phần Lan bí mật trở về Pêtrôgrat. Ngày 23 tháng Mười năm 1917, kế hoạch khởi nghĩa vũ trang của V. I. Lênin đề ra được Hội nghị Uỷ ban trung ương Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga thông qua. 

Tối ngày 6 tháng Mười Một năm 1917, V. I. Lênin đến Cung điện Smolnưi  trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Đến rạng sáng ngày 7 tháng Mười một năm 1917, toàn thành phố Pêtecbua nằm trong tay những người khởi nghĩa, và đến đêm ngày 7 tháng Mười Một 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga đã toàn thắng. Chính quyền đã về tay nhân dân. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra đời. Tại Đại hội các Xô Viết toàn Nga lần thứ II, V. I. Lênin được bầu là Chủ tịch Hội đồng các Uỷ viên nhân dân (Hội đồng Dân uỷ). Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, theo đề nghị của V. I. Lênin, Hoà ước Brest với nước Đức đã được ký kết (ngày 3 tháng Ba năm 1918). Ngày 11 tháng Ba năm 1918, V. I. Lênin cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ Xô Viết trở về Mátxcơva, V. I. Lênin đã có công lao to lớn trong việc lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân lao động nước Nga Xô Viết chống sự can thiệp quân sự của nước ngoài và lực lượng phản cách mạng trong nước; trong việc lãnh đạo quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nước Nga. V. I. Lênin thi hành chính sách đối ngoại Xô Viết, đề ra những nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình giữa các quốc gia có chế độ xã hội khác nhau. 

(tham khảo đường link bên dưới)

Ngày 21 tháng Tư năm 1924, V. I. Lênin qua đời ở làng Gorki, gần thủ đô Mátxcơva. Thi hài được lưu giữ trong lăng Lênin trên Quảng trường Đỏ, Mátxcơva cho tới nay. Tại nước Nga hiện nay, tên của ông được đặt cho 1 tỉnh của Nga (tỉnh Lêningrat (Leningrad), nằm sát cố đô Xanh Pêtecbua (Saint Petersburg), nơi Lênin lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười; thành phố quê hương của Lênin thì được đặt tên là Ulianôp (Ulyanovsk) để tưởng nhớ ông (Lênin có họ là Ulianôp)

 

LẼ SỐNG VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN ĐỂ THỰC HIỆN KHÁT VỌNG TỰ CƯỜNG DÂN TỘC

Lòng yêu nước, tự hào dân tộc không chỉ là một tình cảm tự nhiên, mà còn là truyền thống dân tộc được hun đúc từ chính lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, được tiếp nối, bồi đắp từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Khát vọng tự cường dân tộc trở thành mạch nguồn cuộn chảy trong lịch sử dân tộc và cả trong tâm hồn con người Việt Nam, trở thành lẽ sống và hành động của mọi thế hệ đoàn viên, thanh niên.

Tiếp bước truyền thống lịch sử anh hùng

Trong dòng lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam luôn vượt qua muôn vàn thử thách bằng chính đôi tay và khối óc của mình. Bài học “đem sức ta mà giải phóng cho ta” thể hiện ngay cả ở lúc “nếm mật nằm gai” cho đến khi toàn thắng, giữ nền thái bình muôn thuở bằng thực lực và đối sách, cương nhu kết hợp hài hòa. Đó chính là giá trị cốt lõi, là chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết trong Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2-1951: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(1).

Chính bởi nhìn ra sức mạnh tự cường vĩ đại ấy, mà 75 năm về trước, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta, chớp thời cơ “ngàn năm có một” làm nên thắng lợi vẻ vang của cuộc Cách mạng Tháng Tám, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 đã khẳng định: Pháp chạy, Nhật hàng, Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm n

CÁC TIN LIÊN QUAN

Trang 1 2 3 4 5