TIN TỨC > TIN CHUYÊN NGÀNH

Có 63,706 người đã xem bài viết này!

Chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định: Nhà mạng hết lòng vì người dùng

Như ICT Đà Nẵng đã phản ánh, thực tế đã phát sinh không ít vấn đề trong kết nối liên lạc, trao đổi, hợp tác giữa người dùng là cá thể thuê bao hay là đại diện doanh nghiệp (trên địa bàn Đà Nẵng), sau hơn nửa tháng, kể từ ngày thực hiện quyết định sử dụng mã vùng mới (236) thay cho mã vùng cũ (511). Đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mã vùng theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), các nhà mạng đã chủ động tiến hành triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền đến từng đối tượng thuê bao, tích cực làm hết khả năng để chia sẻ cùng người dùng và doanh nghiệp, giảm thiểu các cản ngại để mọi kênh thông tin liên lạc đều có thể thông suốt.




Các kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật VNPT Đà Nẵng kiểm tra lần cuối độ ổn định kết nối đi liên tỉnh qua đầu số mã vùng mới, đặc biệt là trong phạm vi 13 địa phương chuyển đổi mã vùng đợt 1, sẵn sàng cho thời điểm chuyển đổi mã vùng ngay trước ngày 11/2/2017

Hỗ trợ quay số song song 2 mã vùng mới - cũ để mọi người dùng có thời gian "thích nghi"

Là đơn vị thành viên của Tập đoàn VNPT, VNPT Đà Nẵng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, đã triển khai và cùng các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mã vùng điện thoại tại Đà Nẵng kể từ 0h00 ngày 11/2/2017.

Đại diện VNPT Đà Nẵng cho biết, cụ thể, vào trước thời điểm đổi mã vùng giai đoạn 1 (gồm 13 tỉnh), đơn vị đã triển khai công tác truyền thông đến toàn bộ khách hàng về chủ trương và thời điểm đổi mã vùng của Bộ TT&TT, kế hoạch chuyển mã vùng tại Đà Nẵng qua nhiều kênh thông tin khác nhau, kể cả việc thông tin qua việc in trên thông báo cước viễn thông hàng tháng của khách hàng.

Sau thời điểm đổi mã điện thoại cố định (ngày 11/2/2017) đến nay, tại Đà Nẵng, VNPT vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc truyền thông, tăng cường công tác chăm sóc khách hàng qua nhiều kênh, tăng nhân lực để giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng về việc đổi mã vùng cố định.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những khách hàng vì tính đặc thù nghề nghiệp nên vẫn chưa kịp cập nhật thông tin chuyển đổi. Để hỗ trợ nhóm khách hàng này, trong giai đoạn 1 (từ ngày 11/2/2017 đến 23h59 ngày 12/3/2017) khách hàng vẫn có thể quay số song song (sau mã quốc gia : 0) là mã vùng cũ 511 và mã vùng mới 236. Kể từ 0h00 phút ngày 13/3/2017 đến hết ngày 14/4/2017, hệ thống được cài đặt tự động, liên tục thông báo nhắc nhở sử dụng mã vùng mới đến khách hàng trong trường hợp khách hàng sử dụng mã vùng cũ 511.

Kéo dài thời gian hỗ trợ thêm 30 ngày

Cùng với VNPT, theo ghi nhận của Nhóm phóng viên ICTDanang, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel (đơn vị khai thác đầu số thuê bao điện thoại cố định xếp thứ nhì, sau VNPT), cũng là một trong những đơn vị viễn thông đã đi đầu trong công tác tuyên truyền, nhằm đảm bảo khách hàng nắm rõ thông tin và sử dụng “như bình thường” mã vùng dịch vụ cố định mới.

Theo đó, các thông báo của Vietel đều được gởi đến khách hàng, từng chủ thuê bao qua 2  kênh chính là thông báo qua tổng đài và qua tin nhắn. Với kênh thông báo qua tổng đài, khách hàng Vietel gọi đến đầu số 197 - bấm phím 1 - bấm tiếp phím 3, là được nghe thông báo cụ thể về thay đổi mã vùng dịch vụ điện thoại cố định theo từng giai đoạn.

Hoặc khi gọi đến tổng đài 198, 18008098, 18008119, khách hàng cũng được nghe thông báo về chuyển đổi mã vùng trước khi được kết nối với điện thoại viên.

Ngoài ra, nhà mạng này còn thực hiện nhắn tin thông báo nội dung quyết định của Bộ TT&TT đến từng chủ thuê bao với tần suất cao. Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Thanh Dung – Chuyên viên Truyền thông Viettel tại Đà Nẵng, Viettel vẫn duy trì âm thông báo trong thời gian tối thiểu 30 ngày nữa (kể từ thời điểm kết thúc việc quay số song song, từ từ 13/4 đến 13/5. Như vậy, sẽ kết thúc trước ngày thực hiện chuyển đổi mã vùng điện thoại đợt 2 ).

“Trong thời gian này (13/4 đến 13/5/2017), các cuộc gọi quay số theo mã vùng cũ được định tuyến vào âm thông báo bằng 2 thứ tiếng, tiếng Việt và tiếng Anh đối với cuộc gọi liên tỉnh, liên mạng trong nước; bằng tiếng Anh đối với cuộc gọi từ quốc tế” bà Thanh Dung phân tích thêm.
Bên cạnh việc thông báo qua phong bì cước phát tận tay khách hàng, tại hệ thống Cửa hàng trực tiếp, cửa hàng ủy quyền, cửa hàng xuất nhập khẩu… của Viettel trên địa bàn thành phố và các tỉnh, nhà mạng cũng cho đặt thông báo thay đổi mã vùng và danh sách các tỉnh thay đổi mã vùng kể từ ngày 11/2/2017 đến với người dân.

Liên kết mạng lưới nhà mạng, hạn chế tối đa phát sinh, đảm bảo thuận tiện và thông suốt trong liên lạc

Ghi nhận từ số liệu quan trắc hệ thống lưu lượng từ VNPT Đà Nẵng cho thấy, sau 10 ngày thực hiện chuyển đổi mã vùng cố định, cuộc gọi qua tổng đài không những không có dấu hiệu biến động bất thường, mà tỉ lệ cuộc gọi sử dụng mã vùng mới chiếm tỉ lệ cao hơn với mã vùng cũ.

Điều này cho thấy khách hàng dường như đã dần quen với mã vùng mới sau khi thay đổi.

Để giúp khách hàng thông suốt liên lạc với 12 tỉnh (cũng nằm trong đợt chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định giai đoạn 1) và chiều ngược lại, các đơn vị trong VNPT đã phối hợp và thực hiện các công tác liên quan đến vấn đề chyên sâu kỹ thuật như giao VNPT NET chủ trì điều phối chung về kỹ thuật, Tổng công ty VNPT Vinaphone (đơn vị kinh doanh) chủ trì về công tác truyền thông, chăm sóc khách hàng.

Các kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật VNPT Đà Nẵng kiểm tra tín hiệu kết nối liên tỉnh với mã vùng mới (giai đoạn cài đặt lại thông số) trên hệ thống máy chủ của Tổng đài.


“Ngoài ra các đơn vị trực thuộc VNPT cũng tiến hành rà soát lại hiện trạng cấu hình trên hệ thống thiết bị tổng đài như: hiện trạng khai báo, năng lực bộ nhớ tại các tổng đài, trên cơ sở đó đã hoàn thành xây dựng phương án cấu hình chi tiết phục vụ cho đổi mã vùng tại các tỉnh/thành phố.

Thực hiện ghi âm các file âm thông báo theo đúng nội dung yêu cầu của Bộ TT&TT. Thực hiện sửa đổi hệ thống phần mềm có liên quan (phần mềm tính cước, in hóa đơn, đối soát…) phù hợp với từng giai đoạn chuyển đổi mã vùng. Phối hợp với các đơn vị trong tập đoàn xây dựng các ứng dụng, tiện ích hỗ trợ chuyển đổi mã vùng cho thiết bị đầu cuối di động của khách hàng…” – ông Nguyễn Nghĩa Nam, Trưởng phòng, Phòng Manh và Dịch vụ VNPT Đà Nẵng nhấn mạnh.

VNPT cũng đồng thời, tiến hành liên hệ với các doanh nghiệp viễn thông khác, kể các đối tác nước ngoài để thống nhất phương án và kế hoạch triển khai đồng bộ; đảm bảo công tác khai báo, định tuyến đúng theo mã vùng cố định mới để mọi cuộc gọi từ các nhà mạng với nhau không bị gián đoạn, đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

Có thể nói, với sự chủ động về kế hoạch, cùng các hoạt động tích cực từ phía các nhà mạng, đã và đang tiến hành suốt thời gian chuẩn bị cho đến nay; sự dày dạn kinh nghiệm của đội ngũ kỹ thuật viên trình độ cao của các đơn vị, người dùng (cá nhân, cũng như khối doanh nghiệp), hoàn toàn an tâm và tin tưởng vào sự hỗ trợ tối đa từ phía nhà cung cấp dịch vụ.


T.Ngọc - Huyền Vi thực hiện
(Theo http://www.ictdanang.vn)


CÁC TIN LIÊN QUAN

Trang 4 5 6 7 8 9 10 11 12