TIN TỨC > CHUYÊN MỤC ĐOÀN THANH NIÊN

Có 13,944 người đã xem bài viết này!

Thảm họa môi trường mang tên nilon

Theo thống kê, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam thải ra khoảng 5-7 túi nilon mỗi ngày. Chỉ tính riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.

Vài giây sản xuất, nghìn năm chưa phân hủy

Kết quả khảo sát của Cục Kiểm soát Ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại 5 tỉnh, thành đại diện cho 3 vùng miền gần đây cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 1 kg túi nilon/hộ/tháng. Chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ trong một cuộc họp báo, ở Bình Định, lượng rác thải nhựa, túi nilon được người dân sử dụng và thải ra môi trường ngày càng tăng, ước tính hàng năm khoảng 30.000 tấn rác, trong đó chỉ khoảng 10% được thu gom, tái chế, còn lại tồn đọng trong môi trường sống. Đây là thách thức lớn đối với địa phương về công tác thu gom, xử lý rác thải, nhất là chất thải nhựa và nilon.

Không chỉ trong sinh hoạt, du lịch cũng là ngành đang tạo sức ép lớn cho môi trường từ rác thải túi nilon. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm Khánh Hòa đón hơn 5 triệu lượt du khách. Đa phần du khách vẫn chọn túi nilon để đựng hàng hóa. Và cứ thế, trên bờ, dưới biển đâu đâu cũng thấy túi nilon. Dẫu nhiều khách du lịch biết rằng: sử dụng túi nilon gây tác hại lớn đến môi trường nhưng theo họ, ngoài túi nilon, không còn cách nào khác. Từ năm 2012, nước ta đã áp dụng tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số loại túi nilon. Thế nhưng, túi nilon vẫn hiện diện khắp mọi nơi.

Chỉ tính riêng tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, mỗi ngày, Công ty Môi trường đô thị thu gom hơn 500 tấn rác/ngày, trong đó, rác thải nilon chiếm một lượng không hề nhỏ. Trong khi đó, quy trình xử lý rác thải hiện nay chỉ mới dừng ở việc chôn lấp, sử dụng các chế phẩm chất lượng cao nhằm hỗ trợ quá trình phân hủy chứ chưa có công nghệ nào tái chế, xử lý, triệt để rác thải nilon. Điều này có nghĩa, khối lượng rác thải nilon được chôn lấp mỗi ngày sẽ tồn tại đến hàng thế kỷ sau, tạo hệ lụy dai dẳng, lâu dài đến môi trường sống.

Theo các nhà khoa học, một chiếc túi nilon nhiều khi được sử dụng trong vài phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất và cần 1 giây để vứt bỏ, song để phân hủy thì cần ít nhất 500-1.000 năm.

Gần 1/3 số túi nilon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý, hậu quả là rác thải nhựa và nilon phát sinh không ngừng, có mặt ở khắp nơi, gây thảm họa mà các nhà khoa học gọi là “ô nhiễm trắng”.

Sử dụng túi nilon thân thiện môi trường

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ này đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu đến 2025: “Sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy”.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân hủy kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt; các chính sách thuế đối với việc sử dụng túi nilon.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong nước, Việt Nam cần có những chính sách, lộ trình cụ thể hơn trong việc kiểm soát và quản lý sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy ở Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa quan điểm, mục tiêu của Việt Nam là sẽ ban hành cơ chế chính sách buộc các doanh nghiệp sản xuất các rác thải nhựa phải có trách nhiệm thu gom, tái chế những sản phẩm này. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm thu gom, phân loại rác thải, chất thải và khuyến khích sử dụng các vật liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường và có khả năng tự phân hủy; phân loại các sản phẩm sản xuất thân thiện với môi trường và khuyến khích người dân sử dụng những sản phẩm đó...

GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, trước mắt cần có những biện pháp quản lý tổng hợp, hướng dẫn và khuyến khích thay thế, giảm thiểu và sử dụng hợp lý vật liệu nhựa, (đặc biệt là các loại túi ni lông), áp dụng các biện pháp công nghệ, kĩ thuật đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa.

Đồng thời, ban hành chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế, không khuyến khích sản suất các sản phẩm nhựa, đặc biệt đối với các bao bì nhựa. Tăng cường tái sử dụng sản phẩm nhựa thông qua các giải pháp về thiết kế sản phẩm và chính sách thu hồi sản phẩm. Từng bước hạn chế hay cấm sử dựng bao bì nhựa, thay thế bằng các loại bao bì thân thiện môi trường, có thể phân hủy nhanh trong điều kiện tự nhiên như vật liệu gỗ, mây, tre…

Gần 1/3 số túi nilon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý, hậu quả là rác thải nhựa và nilon phát sinh không ngừng, có mặt ở khắp nơi, gây thảm họa mà các nhà khoa học gọi là “ô nhiễm trắng”.

Nguồn: baomoi.com



CÁC TIN LIÊN QUAN

Trang 1 2 3 4 5