TIN TỨC > TIN CHUYÊN NGÀNH

Có 34,052 người đã xem bài viết này!

Đồng hành học sinh học trực tuyến

Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, không chỉ Đà Nẵng mà rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước phải dạy học trực tuyến trên các nền tảng ứng dụng như: Zoom, Microsoft Teams, Team Link, Google Meeting…



Giáo viên, nhà trường cùng gỡ khó

Vừa hết tiết dạy trực tuyến buổi chiều, cô Mai Thị Thoa, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hải Châu) cho biết: “Chiều nay mạng không ổn định. Đang dạy giữa chừng thì mạng rớt, giáo viên và học sinh bị thoát khỏi phòng học trực tuyến rồi vào lại nhiều lần rất bất tiện. Tuy trường hợp này ít xảy ra nhưng mỗi lần gặp sự cố, cả cô lẫn trò đều thấy tiết học chưa thể hoàn thiện”.

Cũng theo cô Thoa, ngay sau buổi học, để các em tiếp thu bài tốt, cô gửi link (đường liên kết), video và nhờ phụ huynh hỗ trợ các con ôn bài thêm tại nhà.

Trong khi đó, cô Đặng Thị Thuận, giáo viên Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu) chia sẻ "Để khắc phục tạm thời những hạn chế khi dạy học trực tuyến, ngay sau khai giảng, song song với việc mỗi tuần lên lớp trực tuyến 2-3 buổi để kiểm tra kiến thức của học sinh, tôi gửi link, video các bài dạy sẵn theo ngày để phụ huynh rảnh giờ nào thì mở máy tính hoặc điện thoại hỗ trợ con học giờ đó, tránh học sinh ngồi trên máy tính quá lâu, ảnh hưởng đến thị lực và sức khỏe”.

Tuy nhiên, cô Thoa, cô Thuận và các giáo viên khác cho rằng, học trực tuyến là giải pháp phù hợp trong lúc xảy ra dịch bệnh, nên về chương trình dạy học, các cô thống nhất áp dụng phương thức dạy theo chủ đề, tích hợp chủ đề, giảm thời lượng học trực tuyến của từng môn và trong từng ngày. Đối với học sinh khối lớp 1 và lớp 2, giáo viên tận dụng bài giảng truyền hình để giảm áp lực cho học sinh.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du Trần Thị Lệ, để giải quyết những vướng mắc trong dạy học trực tuyến, nhà trường tổ chức họp với các giáo viên vào cuối tuần. Một vài lần nhà trường nhận phản ánh của giáo viên về tình trạng mạng chậm, thi thoảng bị ngắt giữa chừng. Để đường truyền bảo đảm phục vụ hiệu quả cho việc học trực tuyến, cô Lệ mong muốn nhà mạng có các gói cước hỗ trợ để tăng dung lượng đường truyền, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cũng theo cô Lệ, để hỗ trợ học sinh khó khăn học trực tuyến, từ đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ máy tính cho học sinh. “Đến nay, nhà trường vận động trao 13 bộ máy tính mới với tổng trị giá hơn 105 triệu đồng và 2 máy tính cũ đã qua sử dụng cho 15 học sinh khó khăn, hộ nghèo, con mồ côi chưa có phương tiện học tập. Song song đó, nhà trường mua tặng sách giáo khoa cho 16 học sinh. Hiện nhà trường tiếp tục kết nối với các đơn vị hỗ trợ các máy tính đã qua sử dụng giúp các em học sinh khó khăn, tiếp thêm chí ý, nghị lực học tập cho các em”, cô Lệ chia sẻ.

Nhà mạng vào cuộc

Để đáp ứng nhu cầu dạy và học trực tuyến của giáo viên, học sinh, theo VNPT Đà Nẵng, từ đầu năm học 2021-2022, VNPT dồn toàn lực lượng công nghệ thông tin, bằng nhiều hình thức (trực tiếp, trực tuyến trên các hệ thống phần mềm hiện có của VNPT) đào tạo, hướng dẫn 100% giáo viên, các cơ sở trường học các cấp trên địa bàn. Mặt khác, VNPT tiếp tục hỗ trợ ngành giáo dục, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ sản phẩm số hỗ trợ tăng cường cho hệ sinh thái giáo dục vnEdu (sản phẩm của VNPT) đẩy mạnh việc số hóa ngành giáo dục trong khuôn khổ đề án Thành phố thông minh đã được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt.

Trưởng phòng Kỹ thuật Đầu tư VNPT Đà Nẵng Đặng Tiến Hành cho biết, kể từ thời điểm cáp quang internet quốc tế bị gián đoạn lần đầu tiên (ngày 26-5-2021), VNPT khẩn trương xây dựng và triển khai phương án dự phòng cấp 2 nhằm tăng cường cho các tuyến dự cấp 1 đã được Chính phủ cho phép. Nhờ vậy, tốc độ truy cập Internet của khách hàng sử dụng dịch vụ trên kênh truyền do VNPT cung cấp ổn định. Do ảnh hưởng Covid-19, nhu cầu họp hành và dạy trực tuyến tăng cao.

Tính từ ngày 1-9 đến nay, lưu lượng các dịch vụ Meeting Zoom, Google Meet, Microsoft Teams… tăng 6 lần. Từ ngày 6-9, VNPT tiếp nhận hơn 170 trường hợp khách hàng dùng dịch vụ Internet gọi điện phản ánh các nội dung về việc học/họp trực tuyến qua đầu số 18001166.

“Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc mạng internet chập chờn có thể từ việc quá tải các hệ thống phần mềm tại cùng một thời điểm có quá nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh truy cập. Ngoài ra, một số hệ thống phần mềm như Zoom, Microsoft Teams phải mua bản quyền thì mới có thể tham gia với số lượng kết nối lớn và hoạt động liên tục trong thời gian dài. Vì vậy, để việc dạy và học trực tuyến hiệu quả, các gia đình nên đặt modem ở nơi thoáng mát (tránh đặt ở nơi quá nóng). Khi dạy và học trực tuyến, nên tắt bớt các trình duyệt web, app. Ngoài ra, các gia đình cần bố trí bàn học tập của con không cách quá xa hoặc bị che chắn nhiều so với modem (tốt nhất nên sử dụng mạng LAN) để tránh ảnh hưởng đến đường truyền”, ông Hành lý giải.

Theo Viettel Đà Nẵng, từ tháng 5-2021 đến nay, để bảo đảm chất lượng cho người dùng internet cố định nói chung và các thầy cô, phụ huynh, học sinh trong công tác dạy và học, Viettel chủ động nâng gấp đôi băng thông Internet cho tất cả các khách hàng sử dụng dịch vụ.

“Đối với ngành giáo dục, Viettel chủ động giới thiệu phần mềm “Trường học trực tuyến K12online” đến từng đơn vị phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn để nhà trường và các giáo viên lựa chọn. Đồng thời, giáo viên và học sinh nên sử dụng mạng 4G hoặc mạng cố định, hạn chế sử dụng nhiều thiết bị cùng lúc như tivi, iPad… tránh làm chậm đường truyền”, Phó Giám đốc Giải pháp Công nghệ thông tin - Viettel Đà Nẵng Lê Thị Huệ khuyến cáo.

THANH TÌNH (https://baodanang.vn/)

CÁC TIN LIÊN QUAN

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9