TIN TỨC > TIN CHUYÊN NGÀNH

Có 61,678 người đã xem bài viết này!

Đã đến thời của M2M tại Việt Nam

M2M là công nghệ cho phép các thiết bị có thể trao đổi với các hệ thống thông qua mạng vô tuyến hoặc hữu tuyến. M2M được xem là một thành phần của Internet cho vạn vật (IoT) để mang lại lợi ích cho cả ngành công nghiệp và người tiêu dùng thông qua việc áp dụng rộng rãi trong ngành giao thông vận tải, hậu cần (logistic), điện lưới thông minh, thành phố thông minh (Smart City) với ứng dụng giám sát và điều khiển.

Thị trường M2M thế giới

Theo báo cáo mới đây của GSMA Intelligence, kết nối M2M (thiết bị đến thiết bị hay Machine To Machine) qua mạng di động đạt dự báo đạt một tỉ thiết bị vào năm 2020 với tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm CAGR đạt 26% từ năm 2014 đến 2020.

 

Hình 1: Dự báo tăng trưởng kết nối M2M trên toàn cầu

Trong báo cáo của GSMA Intelligence, cho dù công nghệ M2M có thể sử dụng rất nhiều loại kết nối như qua sóng Wi-Fi, qua mạng cố định hay vệ tinh, thì phân tích chỉ dựa vào các kết nối thông qua sóng di động, sử dụng thẻ SIM, và do đó, con số một tỉ kết nối là con số rất ấn tượng. Hơn nữa, báo cáo này cũng không tính những thiết bị điện tử tiêu dùng như điện thoại thông minh, USB 3G, máy tính bảng như các kết nối M2M. Tuy nhiên, các ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe, thiết bị tự động ở nhà hay các máy tính có thể đeo được thì được tính vào trong báo cáo.

Hiện tại, đã có 10 quốc gia có hơn 5 triệu kết nối M2M qua mạng di động, dẫn đầu là Trung Quốc với 61,5 triệu, Mỹ với 37,5 triệu và Nhật Bản với 9,9 triệu. Tuy nhiên, nếu tính theo tỉ lệ kết nối M2M trên tổng số thuê bao di động thì thứ tự lại thay đổi một cách đáng ngạc nhiên. Quốc gia dẫn đầu lại là Thụy Điển với 28%, New Zealand với 16% và Na Uy với 14%.

Sở dĩ có sự khác biệt như vậy khi so số lượng kết nối M2M và tỉ lệ kết nối M2M trên tổng số lượng thuê bao di động là do những nước này đã sớm áp dụng rộng rãi M2M trong cuộc sống như điện kế điện tử, đồng hồ đo gas và nhiều ứng dụng khác.

Đơn cử là Thụy Điển, từ tháng Bảy năm 2006, nước này đã quy định bắt buộc sử dụng điện kế thông minh đo được theo giờ đối với các hộ sử dụng trên 63A. Từ tháng Mười năm 2012, Thụy Điển hỗ trợ thay thế miễn phí điện kế điện tử cho người khách hàng có nhu cầu, và hiện tại, nước này đã lắp đặt hơn 1 triệu điện kế điện tử trong tổng số 5,2 triệu khách hàng. Thụy Điển được xem là nước rất thành công trong ứng dụng điện lưới thông minh.

Sở dĩ có những dự báo phát triển M2M ngoạn mục như vậy, theo GSMA Intelligence là do có rất nhiều yếu tố thuận lợi hiện nay. Trong đó có:

- Nhiều nước khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng M2M trong lĩnh vực công như thành phố thông minh, giao thông vận tải và chăm sóc sức khỏe;

- Giá thành thiết bị và giá cước của M2M giảm rất mạnh cho phép ứng dụng trên diện rộng;

- M2M an toàn do kết nối theo chuẩn đầu cuối đến đầu cuối và sử dụng nhận dạng thông qua thẻ SIM.

Thị trường M2M tại Việt Nam

Trên thế giới, M2M đã qua giai đoạn thử nghiệm và chuyển sang giai đoạn triển khai thương mại. Các nhà khai thác thế giới đã chuyển dần từ những hoạt động tiền đề như định nghĩa, đánh giá nhu cầu thị trường và truyền thông khách hàng sang các hoạt động kinh doanh dịch vụ một cách tích cực hơn. Trong năm 2013, một số nhà khai thác lớn đã quyết định tái cấu trúc mô hình, đổi mới và sắp xếp lại các hoạt động kinh doanh về M2M, đã khẳng định tầm quan trọng mang tính chiến lược của kết nối M2M. Trong khi đó, vào cuối năm 2014, đầu năm 2015 này, M2M đã bắt đầu manh nha tại Việt Nam.

Cuối năm 2014, Viettel đã hợp tác với ngành điện để thiết bị thu thập tự động online qua kết nối 3G phía sau công tơ điện, khoảng 30 phút một lần truyền về hệ thống số liệu. Người dân khi muốn biết đang dùng bao nhiêu, có thể nhắn tin để quản lý năng lượng tiêu thụ của mình. Hoạt động này đã giúp tiết kiệm chi phí nhân công, chống mất cắp điện, bảo mật thông tin khách hàng. Phương án kinh doanh được đưa ra là: Viettel trang bị thiết bị modem, SIM, phí truyền dữ liệu, xây dựng phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu tại trung tâm, trang bị máy chủ và vận hành, bảo trì hệ thống, xử lý sự cố (modem và hệ thống phần cứng, phần mềm...) và cho điện lực thuê, điện lực trả phí hàng tháng theo điểm đo. Hiện hai bên vẫn đang trong quá trình thử nghiệm dịch vụ.

Tiếp theo sau đó,  BKAV giới thiệu ra thị trường hệ thống nhà thông minh Bkav SmartHome kết nối tất cả các thiết bị trong ngôi nhà thành một hệ thống mạng, để có thể điều khiển chúng theo các kịch bản thông minh, bao gồm: hệ thống đèn chiếu sáng, rèm cửa, điều hoà nhiệt độ, ti vi, dàn âm thanh, cảm biến môi trường, chuông cửa có hình, camera an ninh, hàng rào điện tử, cảnh báo rò rỉ khí gas...Theo quảng cáo từ BKAV, người dùng không chỉ điều khiển ngôi nhà trực tiếp trên smartphone, máy tính bảng bằng giao diện trực quan 3D mà còn có thể điều khiển bằng giọng nói thông qua công nghệ trợ lý ảo. Tuy số lượng người sử dụng giải pháp này chưa nhiều do giá thành còn cao so với thu nhập của người dân, và người dân cũng chưa có thói quen sử dụng, nhưng với kinh nghiệm từ nước ngoài thì giải pháp sẽ đem lại sự tiện lợi rất lớn cho con người.

Xác định được thị trường M2M trong thời gian tới, Bộ TT&TT cũng đã có kế hoạch dành đầu số cho thị trường này trong quy hoạch viễn thông tới năm 2020. Quy hoạch mới ra đời được vài tháng, nhưng tại buổi họp giao ban nhà nước trong tháng 3 vừa qua, Viettel đã xin cấp 1 triệu số để cung cấp dịch vụ M2M và kiến nghị Bộ TT&TT cho sửa đổi quy định về giới hạn số lượng sử dụng thuê bao đối với cá nhân bởi sắp tới xu hướng phát triển mạnh các dịch vụ M2M. Bộ TT&TT cho biết việc cấp đầu số cho các dịch vụ M2M đã được Bộ nghiên cứu và đang xem xét đề nghị này.

Các nhà cung cấp trong nước đã có động thái phát triển ứng dụng M2M, còn các nhà mạng quốc tế cũng đã để mắt tới thị trường Việt Nam, trong điều kiện lý tưởng để phát triển M2M: thị phần smartphone tăng mạnh, hiện đã vượt điện thoại thông thường, số lượng thuê bao 3G đã đạt tới gần 30 triệu thuê bao, người dùng Việt Nam đã quen sử dụng các ứng dụng trên mạng 3G…Đặc biệt tại Việt Nam, các thủ tục hành chính vẫn còn quá nhiêu khê, mất nhiều thời gian của người dân, trong khi mục tiêu cải cách trong thời gian tới được đặt ra khá cao. Các ứng dụng M2M sẽ giúp người Việt cải thiện những bất cập đó. Để có thể bước chân vào thị trường Việt, các hãng nước ngoài đã bắt tay hợp tác với doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, mới đây AT&T (Mỹ) đã hợp tác cùng Viettel nhằm cung cấp dịch vụ Cargo View. Cargo View được kết hợp trên nền công nghệ định vị và sử dụng các bộ cảm biến, giúp chủ lô hàng có thể biết được vị trí, môi trường xung quanh hàng hóa của mình, và có kế hoạch nhận hàng, tổ chức bán hàng cho lô hàng mới một cách kịp thời.

 

 Bên cạnh việc hợp tác với Viettel, AT&T cũng sẽ hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam. AT&T đặt nhiều hi vọng vào sự phát triển đầy ý nghĩa của các thuê bao khi chúng được kết nối vào dịch vụ ô tô trong vòng từ 3 - 5 năm tới, kết nối gần một nửa những người sử dụng phương tiện giao thông kết nối không dây ở Mỹ vào năm 2015. Ví dụ điển hình là AT&T đã hợp tác với hãng Nissan để đưa ra mẫu xe được kết nối 3G và 4G. Nhờ đó, hãng Nissan có thể biết được tình trạng của chiếc xe này từ xa. Quý 4/2014, AT&T đã hợp tác với các hãng sản xuất ô tô như; Ford, Audi, GM, Volvol, Nissan...Đề cập đến việc tiếp cận thị trường Việt Nam, AT&T cho biết sẽ làm việc với các hiệp hội ngành nghề để giới thiệu cho họ lợi ích của Internet of things; làm việc với các doanh nghiệp xem có thể mang đến các giải pháp gì để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của họ tốt hơn. Ngoài ra, AT&T có thể đem thiết bị của mình theo chuỗi cung ứng của khách hàng để cho họ thấy thiết bị này được điều khiển như thế nào và theo dõi các thông số gì trong chuỗi cung ứng đó; có thể trình diễn và tính toán khi ứng dụng giải pháp này sẽ tác động đến hiệu quả kinh doanh của chính doanh nghiệp đó như thế nào. Tuy nhiên, việc triển khai này cần có quy ước bảo mật cho khách hàng.

Không chỉ có AT&T quan tâm tới thị trường Việt Nam, các chuyên gia công nghệ của Intel cũng cho biết sẽ giới thiệu các giải pháp Internet of Things (IoT) cả về phần cứng, phần mềm và ứng dụng cho Việt Nam vào thời gian tới.

Kết luận: M2M là xu thế không thể bỏ qua đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực viễn thông – CNTT. Bởi thế, việc đầu tư trong lĩnh vực này cũng cần sớm được cân nhắc và thông qua. Tuy nhiên, việc bắt đầu như thế nào vẫn là một điều cần phải bàn. Theo nguồn tin chưa được xác thực từ BKAV, mỗi năm họ đầu tư khoảng 1 triệu USD cho dự án nhà thông minh. Với một thị trường mới hình thành và thu nhập trung bình còn thấp như Việt Nam, việc đầu tư một dự án lớn là rất mạo hiểm, bởi vậy chúng ta có thể đi từ những dự án nhỏ, để khi đã “chắc chân” thì việc nhận hoặc đầu tư những dự án lớn sẽ khả thi hơn.

CÁC TIN LIÊN QUAN

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9