TIN TỨC > TIN CHUYÊN NGÀNH

Có 60,179 người đã xem bài viết này!

"Chống độc quyền, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh" trong các doanh nghiệp VT-CNTT

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm 5 năm tới của Bộ là phải thực hiện tốt nhất nhiệm vụ tái cơ cấu các doanh nghiệp trong ngành, tạo điều kiện cho DN phát triển bền vững, chống xu hướng độc quyền, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường.

       Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ Bộ TT&TT lần thứ IV nhiệm kỳ 2015 - 2020 sáng 20/8, Bộ trưởng đã đánh giá cao những thành tựu quan trọng và toàn diện mà Đảng bộ nói riêng và ngành TT-TT nói chung đã đạt được trong nhiệm kỳ trước. Trong đó, viễn thông là một điểm sáng nổi bật.

"Viễn thông Việt Nam đang "thắng" trên sân nhà, CNTT ngày càng được ứng dụng rộng rãi, đem đến cho xã hội những dịch vụ đa dạng, phong phú. Cùng với các loại hình báo chí, phát thanh và truyền hình, thì bưu chính, viễn thông, CNTT đang góp phần quan trong trong xoá nghèo về thông tin cho các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển đảo của Tổ quốc", Bộ trưởng nêu rõ.

      Đánh giá về công tác chỉ đạo tái cấu trúc doanh nghiệp trong giai đoạn 2011-2015, Bộ trưởng cho rằng những kết quả đạt được "rất đáng khích lệ, đúng mục tiêu, nguyên tắc". Các doanh nghiệp sau tái cơ cấu đã vượt qua được khó khăn, tăng trưởng mạnh mẽ; cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia ngày càng được tăng cường, hiện đại hoá, mở rộng đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; tạo điều kiện cho người dân được sử dụng dịch vụ tiên tiến, chất lượng tốt, giá cả phù hợp.
     
      Đáng chú ý, viễn thông là một trong những thị trường đi đầu về "xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp; mở cửa thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và đúng pháp luật".

      Chính vì vậy, trong giai đoạn mới, Bộ TT&TT cần: "Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ còn lại sau tái cơ cấu, để doanh nghiệp phát triển bền vững theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, phù hợp với đặc thù của ngành, phân định rõ hoạt động kinh doanh với hoạt động công ích, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, nguồn lực và tài nguyên quốc gia". Mục tiêu cuối cùng là phải "chống xu hướng độc quyền, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; thực hiện cổ phần hoá theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối", Bộ trưởng chỉ đạo.

Viễn thông, bưu chính luôn trong nhóm hàng ổn định giá

      Nói về vai trò của ngành TT-TT trong đời sống kinh tế - xã hội, Bộ trưởng cho rằng, ý nghĩa lớn nhất là các dịch vụ bưu chính, viễn thông là đã trở nên "không thể thiếu được". Từ chỗ một dịch vụ xa xỉ, cao cấp trước đây, dịch vụ thông tin di động giờ đây đã trở nên rất bình dân, ai cũng có thể tiếp cận, "một phần tất yếu của cuộc sống", thậm chí khó có thể tưởng tượng được nếu có ngày nào đó các dịch vụ viễn thông, CNTT... vắng bóng trong cuộc sống.

      Và với tư cách hạ tầng của hạ tầng, lĩnh vực CNTT đã có sự phát triển nhanh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng và hiệu quả cao, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng GDP của đất nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước cũng đạt được những kết quả rất đáng phấn khởi, góp phần quan trọng vào công tác cải cách hành chính, hướng tới nền chính phủ điện tử hiện đại.

      Mang lưới Bưu chính không chỉ làm tốt chức năng bưu chính truyền thống mà hiện nay còn thực hiện nhiều dịch vụ công: chi trả lương hưu, thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện, chuyển phát hộ khẩu, hộ chiếu, CMND... góp phần đem lại nhiều tiện ích, tiết kiệm chi phí cho xã hội.

      Việc quản lý, phát triển viễn thông không ngừng được tăng cường, mạng Internet ngày càng phổ cập. Các doanh nghiệp viễn thông trong nước tiếp tục giữ vững vị thế và thị phần áp đảo trên thị trường. Thông tin trên mạng Internet được đẩy mạnh, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội, sức cạnh tranh của doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, đặc biệt là góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước các cấp, từ Trung ương đến các địa phương.

      Đáng ghi nhận nhất, trong khi nhiều ngành dịch vụ thiết yếu khác như điện, xăng, nước tăng giá đáng kể trong những năm qua, thì dịch vụ bưu chính, viễn thông luôn nằm trong nhóm hàng có chỉ số giá không tăng hoặc tăng thấp, góp phần ổn định chỉ số giá tiêu dùng trong nước, Bộ trưởng phân tích.

      Không chỉ làm chủ và thắng trên sân nhà, ngành công nghệ - TT Việt Nam cũng bắt đầu đẩy mạnh mở rộng đầu tư ra nước ngoài, giúp đỡ các nước Lào, Campuchia phát triển bưu chính, viễn thông, CNTT, báo chí, xuất bản và phát triển nhân lực... Một số doanh nghiệp đã đầu tư ra Myanmar cùng nhiều quốc gia châu Phi...

Thẳng thắn nhìn vào hạn chế

       Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, ưu điểm đã đạt được, Bộ trưởng thẳng thắn khuyến nghị Đảng ủy cần phải nhìn ra những hạn chế, khuyết điểm, tồn tại, từ đó quan tâm chỉ đạo khắc phục một cách sâu sát, quyết liệt.

       Đơn cử như tiến độ xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ vẫn còn chậm so với yêu cầu; Tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo có giảm nhưng vẫn còn gây nhiều bức xúc cho nhân dân. Rồi việc các thế lực thù địch vẫn tăng cường lợi dụng môi trường internet để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ; kích động, xúi giục các phần tử cơ hội, thoái hóa chống đối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, gây chia rẽ nội bộ.

     " Đó là thách thức, khó khăn chung của xã hội, của nhiệm vụ, chức năng quản lý nhà nước của toàn Ngành. Nhưng từ góc độ Đảng bộ, nếu trên các lĩnh vực mà ở đó đang còn những bất cập thì chắc chắn Đảng uỷ, Đảng bộ và từng đảng viên cũng phải thấy trong đó có vai trò, trách nhiệm của mình để đưa ra những yêu cầu lãnh đạo sát thực tế và mang lại hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ tới", Bộ trưởng chỉ đạo.

      Nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông tới đây là rất nặng nề.

     Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách cần được đẩy mạnh, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho ngành thông tin và truyền thông phát triển, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH đất nước. Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện để Quốc hội phê chuẩn dự án Luật An toàn thông tin.

      Công tác quản lý thông tin trên mạng Internet, các mạng xã hội và blog cá nhân cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa, song song với đó là chính sách quản lý đối với các dịch vụ OTT; tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ hoạt động điều phối ứng cứu sự cố mất an toàn thông tin...

      Đặc biệt, Đảng ủy Bộ cần chỉ đạo quyết liệt việc triển khai 2 chủ trương lớn là Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 của Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành TW Đảng Khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần xây dựng nền tảng sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các CQNN, Bộ trưởng kết luận.


Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại đại hội. Ảnh: Xuân Lộc.

                                                                                                                                                                                                Nguồn: Báo vietnamnet.vn

CÁC TIN LIÊN QUAN

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9