TIN TỨC > TIN CHUYÊN NGÀNH

Có 64,582 người đã xem bài viết này!

Bế mạc hội thi Tin học trẻ thành phố Đà Nẵng lần thứ 19 năm 2016

Chiều ngày 21/5/2016, tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, liên ngành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Viễn thông Đà Nẵng, Công ty cổ phần Softech, Cao đẳng thực hành FPT, Hội Tin học và Đại học Duy Tân đã phối hợp tổ chức Lễ bế mạc và trao giải Hội thi Tin học trẻ cấp thành phố năm 2016 dành cho học sinh Tiểu học, THCS, THPT thành phố Đà Nẵng.



 
 Hội thi Tin học trẻ thành phố Đà Nẵng năm nay quy tụ 601 lượt học sinh tham gia ở 3 phần thi (Phần chung, lập trình phần cứng và PMST). Phần thi chung có 434 em, gồm 214 học sinh Tiểu học, 137 học sinh THCS và 73 học sinh THPT. Lập trình phần cứng cấp trung học có 24 đề tài với 43 thí sinh tham dự (08 đề tài THCS, 16 đề tài THPT). Phần mềm sáng tạo có 149 sản phẩm dự thi (Tiểu học có 106, khối THCS có 36, khối THPT có 07) với 177 thí sinh tham gia.
 

Về phần thi chung khối Tiểu học có 129/214 thí sinh đạt giải (18 nhất, 26 nhì, 41 ba, 44 khuyến khích), tỷ lệ 60,28%. Các trường Tiểu học Phủ Đổng (Hải Châu), TH An Phước (Hòa Vang), TH Đoàn Thị Điểm (Thanh Khê), TH Lương Thế Vinh (Sơn Trà)… có thí sinh đạt điểm cao nhất trong 18 giải nhất hội thi. Ba em Bùi Phan Quỳnh Chi, Nguyễn Ngọc Lân (TH Phù Đổng), Phạm Nguyễn Đăng Huy (TH An Phước) cùng đạt số điểm cao nhất trong 18 giải nhất của bảng A (9.3/10 điểm). 

 

Khối THCS có 89/137 thí sinh đạt giải (13 nhất, 16 nhì, 20 ba, 40 khuyến khích), tỷ lệ 64,96%. Trường THCS Nguyễn Khuyến chiếm 10/13 giải nhất. Em Nguyễn Quốc Tuấn, lớp 9/6 THCS Nguyễn Khuyến đạt điểm 10 tuyệt đối. Các em Huỳnh Tấn Duy Bảo, lớp 9/10 THCS Tây Sơn (Hải Châu), Vũ Khương Duy, lớp 9/1 THCS Nguyễn Chí Thanh và Phạm Đắc Bảo, lớp 9/4 THCS Phạm Ngọc Thạch (Sơn Trà) cũng xuất sắc đứng vào nhóm giải cao.

 

Khối THPT có 34/73 thí sinh đạt giải (6 nhất, 6 nhì, 13 ba, 9 khuyến khích), tỷ lệ 46,58%. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chiếm 11/12 giải nhất và giải nhì. Giải nhất còn lại thuộc về em Đặng Viết Khôi Nguyên, lớp 11/3 THPT Phan Châu trinh. Đặc biệt, em Nguyễn Lê Lý Bằng, lớp 10A5 đạt điểm 10/10 phần thi này.

 

Về thi lập trình phần cứng: năm nay lần đầu tiên thành phố tổ chức thi nội dung này, đa số sản phẩm tập trung vào các lĩnh vực bức thiết của đời sống như  môi trường, thực phẩm sạch và các tiện ích trợ giúp người khuyết tật; trong đó có sản phẩm đã được thử nghiệm và có hiệu quả rõ ràng. Tiêu biểu là các đề tài Hệ thống khay trồng rau tự động của em Nguyễn Phú Quý và Huỳnh Huy Hoàng, lớp 7/8 Trường THCS Tây Sơn (Hải Châu); Hệ thống tưới vườn thông minh của em Huỳnh Văn Ngọc Sơn và Hồ Ngọc Thắng, lớp 8/1 THCS Huỳnh Bá Chánh (Ngũ Hành Sơn); Giá phơi đồ trong nhà của Lâm Minh Hiền, lớp 9/8 và Nguyễn Thị Nguyệt Minh, lớp 7/8 Trường THCS Trưng Vương (Hải Châu); Thiết bị hỗ trợ đọc và viết cho người khiếm thị của em Ngô Quang Hiếu, lớp 11A5 và Nguyễn Văn Hoài Linh, lớp 11A1 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; Hệ thống theo dõi chất lượng không khí của em Hồ Tuấn Kiệt và Nguyễn Thị Kim Bình, lớp 10A5 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; Găng tay chuyển ngữ của em Tống Xuân Bảo và Trần Tuấn Anh, lớp 11A5 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; Thiết bị cảnh báo rò rỉ khí ga của em Nguyễn Lê Lý Bằng và Võ Thị Thanh Tuyền, lớp 10A5 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; HL SmartClasses của em Vũ Đình Nghĩa Hưng, lớp 10A5 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Nguyễn Thành Long, lớp 10/4 THPT Hoàng Hoa Thám. Các sản phẩm này sẽ tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện, phát triển để tham gia vào các hội thi tin học trẻ, khoa học kĩ thuật, sáng tạo kĩ thuật thanh thiếu nhi cấp quốc gia.

 

Về Phần mềm sáng tạo: hầu hết các thí sinh có nhiều đầu tư cho sản phẩm về công sức và thời gian. BGK đã thống nhất chấm chọn 117 giải, tỷ lệ 78,2% (17 giải nhất, 41 giải nhì, 30 giải ba và 29 giải khuyến khích). Số lượng PMST dự thi năm nay ;có tăng về số lượng lẫn chất lượng tuy chưa thật đồng đều trong từng bậc học, sản phẩm Giới thiệu văn hóa vật thể và phi vật thể của quận Sơn Trà do học sinh Văn Đức Trường Giang lớp 5/1 Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh (Sơn Trà) thực hiện, với giao diện ấn tượng, thông tin phong phú, đã tổng hợp khá phong phú thông tin về văn hóa vật thể và phi vật thể của quận Sơn Trà. Phần mềm tham gia dự thi  của em Cao Hoàng Thủy Tiên, lớp 5/5 Trường Tiểu học Phù Đổng (Hải Châu) với đề tài Hành trang cho bé vào lớp 1. Phần mềm này bao gồm các tính năng như: Giúp bé làm quen với các chữ cái và cách viết các chữ cái, Giúp bé làm quen với số đếm, Giúp bé tập làm toán, Giúp bé tập tô màu, Giúp bé nhận biết thế giới xung quanh và Giải trí. Phần mềm của em Cao Hoàng Thủy Tiên đã đáp ứng được tất cả các tiêu chí mà hội thi đã đề ra, các ứng dụng trong phần mềm rất gần gũi và dễ sử dụng cũng như thiết kế giao diện đẹp mắt phù hợp với lứa tuổi của các em.

 

Năm nay, phần mềm sáng tạo của khối THPT có 01 sản phẩm thật sự xuất sắc của nhóm học sinh THPT chuyên Lê Quý Đôn với 3 thành viên Huỳnh Đức Huy, Trần Tuấn Anh và Tống Xuân Bảo. Ý tưởng phần mềm có tên, SMART BOTS của các em ứng dụng xu hướng công nghệ IoT vào cuộc sống, được hoàn thiện cả phần cứng và phần mềm. Smart Bots là một hệ thống được kết nối bởi các BOT không dây, điều khiển được hầu hết công tắc và cần gạt trong nhà. Người dùng có thể sử dụng Smartphone, Laptop hay bất cứ thiết bị nào kết nối  Internet để có thể điều khiển các thiết bị điện trong nhà một cách dễ dàng. Phần mềm SMART BOTS là phần mềm quản lý tòa nhà thông minh, có tính thực tiễn cao, có thể nâng cấp thành sản phẩm thương mại.

 

Hội thi Tin học trẻ thành phố lần thứ XIX năm 2016 đã diễn ra thành công tốt đẹp, hội thi tiếp tục khơi dậy niềm yêu thích và năng lực sáng tạo Tin học của thanh thiếu nhi. Kết quả của hội thi là sự ghi dấu ban đầu cho sự phát triển các tài năng tin học thành phố trong tương lai. Qua 19 lần tổ chức, từ phong trào tin học trẻ thành phố, chúng ta đã có những tài năng Tin học trưởng thành, đang góp sức trên các lĩnh vực đời sống của thành phố và cả nước.

Tin, ảnh: BBT

(Theo   http://thanhdoandanang.org.vn)

CÁC TIN LIÊN QUAN

Trang 5 6 7 8 9 10 11 12 13