TIN TỨC > TIN CHUYÊN NGÀNH

Có 54,179 người đã xem bài viết này!

Lắp đặt Trạm BTS: Tạo đồng thuận trong dân trên cơ sở hài hòa các lợi ích chung của cộng đồng

Chiều ngày 16/6, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng đã tổ chức buổi họp báo trao đổi về công tác quản lý, an toàn của các Trạm BTS trên địa bàn TP.

 

  


Buổi họp báo do ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP chủ trì, cùng sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Sở Y tế, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ; đại diện UBND quận, huyện, phường, xã; Lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn; Phóng viên các cơ quan báo đài TƯ và địa phương tại TP.

Tính đến hết tháng 4/2017, trên địa bàn TP có 1.435 trạm BTS, trong đó có 446 trạm BTS thân thiện môi trường.

Từ giữa năm 2015 đến nay, TP chỉ ưu tiên cấp phép trạm BTS thân thiện môi trường (trạm có cột ăng-ten cao dưới 6m và theo các mẫu được TP phê duyệt), chiếm 97,5% các vị trí được cấp phép. Đối với các trạm BTS loại cồng kềnh chỉ cấp phép đối với những vị trí có yêu cầu đăc biệt, vùng miền núi, địa hình hiểm trở…

Việc xây dựng thêm trạm BTS mới và nâng cấp, chuyển đổi công nghệ các trạm BTS hiện có là để mở rộng vùng phủ sóng, nâng cao chất lượng phục vụ, hạn chế tình trạng nghẽn mạng, rớt sóng khi đàm thoại, không thể truy cập Internet di động…

Tuy nhiên, việc xây dựng các Trạm BTS hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do người dân lo ngại về ảnh hưởng sóng điện từ Trạm BTS đối với sức khỏe của bản thân và gia đình.

Trong năm 2016, Sở Thông tin và Truyền thông đã xử lý 14 phản ánh của người dân. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có 12 phản ánh. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều do người dân dựa vào các thông tin không chính thống trên mạng Internet, dẫn đến ảnh hưởng tâm lý, lo lắng, hoang mang. Từ đó có những phản ánh, khiếu kiện kéo dài, đơn cử như phản ánh của ông Võ Văn Minh về trạm BTS tại 107 Ngũ Hành Sơn gây mất an toàn và của người dân sống gần trạm BTS địa chỉ 280 Điện Biên Phủ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đối với các trường hợp này, Sở Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra thực tế, yều cầu chủ đầu tư hạ độ cao cột ăng-ten, thực hiện thường xuyên hoạt động bảo trì, bảo dưỡng và kiểm định Trạm BTS theo đúng quy định.

Đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương, doanh nghiệp viễn thông tổ chức các buổi họp trao đổi, làm việc trực tiếp với người dân, thực hiện đo thực tế sóng điện từ Trạm BTS 280 Điện Biên Phủ và thông báo ngay kết quả để người dân yên tâm.

Cụ thể, kết quả đo kiểm bức xa điện từ tại số nhà 280 Điện Biên Phủ, phường Chính Gián, quận Thanh Khê cho thấy bức xạ điện từ tại trạm và các hộ dân liền kề thấp hơn 0,05 giá tri bức xạ tối đa cho phép (mức tối đa cho phép là 27,5V/m). Mức bức xạ trên hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tại buổi họp báo, hầu hết các câu hỏi, ý kiến của đại diện cơ quan báo chí và lãnh đạo địa phương đều tập trung vào hai vấn đề chính. Trước hết, đó là vấn đề tuyên truyền, “Hiện nay, cách giải thích, tuyên truyền thông tin về trạm BTS mới mang tính chung chung, chưa tiếp cận được với những thông tin mà dân cần, chưa đánh trúng được tâm lý của người dân. Tài liệu thông tin theo tôi cần chắt lọc, súc tích, dễ hiểu, gần gũi, có minh chứng rõ ràng thì tuyên truyền mới hiệu quả, thuyết phục được nhân dân…”, phóng viên Giang Sơn Báo Lao động xã hội chia sẻ ý kiến.





 Đại diện lãnh đạo địa phương và các nhà mạng trao đổi ý kiến tại buổi Họp báo.


Phóng viên Đoàn Hạnh Báo IctNews cũng đồng ý với quan điểm trên và cho rằng cách làm, cách tuyên truyền như thế nào quyết định rất lớn đến việc tạo niềm tin cho người dân, từ đó đồng tình và đồng thuận với vấn đề lắp đặt các Trạm BTS. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên cập nhật những số liệu đo kiểm mới để phục vụ tuyên truyền…

Vấn đề thứ hai liên quan đến các hoạt động lắp đặt, sửa chữa Trạm BTS của nhà mạng viễn thông trên địa bàn. “Việc lắp đặt thường diễn ra vào ban đêm hoặc trưa, chưa thực hiện lấy ý kiến nhân dân đầy đủ trước khi lắp đặt…dẫn đến tạo tâm lý bất an, nảy sinh những lo lắng trong dân. Nên vận động, lấy ý kiến người dân thật sớm và chu đáo, bởi nếu không tạo được sự đồng thuận từ đầu thì rất khó triển khai, lại dễ dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp về sau…”, Phó Chủ tịch UBND Phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu trình bày ý kiến.

Đại diện Lãnh đạo các đơn vị viễn thông tham dự buổi họp cũng đã có những chia sẻ cụ thể liên quan đến các ý kiến của cơ quan báo chí, địa phương. Với tính thần cầu thị, các doanh nghiệp thể hiện quyết tâm trong việc thay đổi cách làm, hình thức thực hiện, nhằm đảm bảo nâng cao tính minh bạch, rõ ràng đối với các Trạm BTS. Đồng thời thường xuyên quan tâm đến ý kiến, phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của người dân, tăng cường trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng trong tuyên truyền, vận động để dân hiểu, tin và an tâm.

“Các nội dung được cơ quan báo chí, đại diện các địa phương trình bày hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp thu toàn diện, từ đó tăng cường công tác quản lý, công tác hậu kiểm, để hoạt động quản lý xây dựng, khai thác trạm BTS ngày càng bài bản, đúng quy định, bảo đảm an toàn cho người dân, vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông nâng cấp mạng lưới thông tin di động theo xu thế công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin của người dân khi Đà Nẵng đang hướng đến xây dựng “Thành phố thông minh”, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

An Bình thực hiện
(Theo ictdanang.vn)

CÁC TIN LIÊN QUAN

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9