TIN TỨC > TIN CHUYÊN NGÀNH
Có 12,343 người đã xem bài viết này!
Kết nối Internet quốc tế hết nghẽn từ đêm 10/2
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cho biết sẽ đảm bảo kết nối Internet đi quốc tế không bị nghẽn từ đêm nay.
Đây là cam kết của các nhà mạng Việt Nam sau cuộc họp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với các doanh nghiệp viễn thông nhằm xử lý sự cố đứt cáp quang biển, diễn ra chiều 9/2 tại Hà Nội.
Theo đó, nhà mạng khẳng định sẽ áp dụng những biện pháp kỹ thuật, mở thêm dung lượng trên đất liền và chia sẻ dung lượng đi quốc tế với nhau để đảm bảo kết nối ổn định, không bị nghẽn.
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, trong giai đoạn này, các nhà mạng không nên cạnh tranh, mà nên hỗ trợ nhau cùng phát triển bền vững. Mạng có dung lượng ứng cứu còn dư nên chia sẻ cho bên thiếu. Nếu không đủ, cần mua bổ sung, nhằm đảm bảo "dung lượng sử dụng thực tế của khách hàng vào giờ cao điểm luôn ở mức không quá 90% dung lượng quốc tế mà nhà mạng có thể đáp ứng", tức dung lượng có sẵn phải cao hơn ít nhất 10% so với nhu cầu sử dụng của người dùng.
"Khi nhiều tuyến cáp quang biển đồng loạt gặp sự cố, ảnh hưởng kết nối Internet của Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông phải hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn này", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo. "Nếu sau khi áp dụng biện pháp kỹ thuật mà vẫn nghẽn, doanh nghiệp còn dung lượng sẽ san sẻ kết nối đi quốc tế cho doanh nghiệp thiếu để đảm bảo chất lượng dịch vụ". Ông cũng yêu cầu doanh nghiệp viễn thông mở thêm hướng kết nối trên đất liền và áp dụng biện pháp kỹ thuật để đảm bảo kết nối đi quốc tế.
Ở giai đoạn bình thường, các tuyến cáp quang biển của Việt Nam có tổng dung lượng khoảng 18,7 Tbps. Các nhà mạng thiết lập 60% cho hoạt động, 40% cho việc dự phòng. Trong giai đoạn bốn tuyến cáp quang gặp sự cố hiện nay, hạ tầng này mất tới 75% dung lượng, buộc nhà mạng phải mua thêm 3 Tbps.
Đây là lần đầu tiên tất cả doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam đối mặt với việc ứng cứu quy mô lớn khi số cáp quang biển bị sự cố nhiều nhất. Không chỉ Việt Nam, các quốc gia trong khu vực châu Á cũng bị ảnh hưởng. Trong bốn tuyến bị đứt, hai tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng, hai tuyến IA và AAE-1 còn một phần hoạt động. Hiện tuyến SMW-3 đi Hong Kong và Singapore, tuyến AAE-1 hướng đi Singapore và tuyến IA hướng đi Hong Kong vẫn đảm bảo kết nối 100%.
"Các doanh nghiệp viễn thông cũng cần chuẩn bị cho tình huống cáp biển có thể gặp sự cố tiếp để có phương án đảm bảo kết nối của Việt Nam đi quốc tế", ban chỉ đạo xử lý sự cố cho biết.
Lưu Quý (https://vnexpress.net/)
CÁC TIN LIÊN QUAN
- Kết quả điều tra khách hàng sử dụng di động năm 2014
- VNPT: Kiện toàn đội ngũ lãnh đạo
- Vinaphone - Mobifone chưa hạn chế thời gian tài khoản khuyến mại
- Đã đến thời của M2M tại Việt Nam
- Một số nội dung nổi bật tại Hội nghị giao ban Quản lý nhà nước ngành TT&TT quý 1
- VNPT được chọn nhà thầu bảo hiểm VINASAT qua đàm phán trực tiếp
- Đà Nẵng sẽ xử lý nghiêm việc kéo cáp không đúng qui định
- Tổng giám đốc VNPT: “Tôi muốn bùng lên ngọn lửa khát vọng cho mỗi người VNPT"
- VNPT và MobiFone có thể được hưởng cơ chế tiền lương như Viettel
- VNPT có Tổng giám đốc mới
- Việt Nam sẽ cấp phép 4G vào 2016
- Sẽ yêu cầu nhà mạng giảm cước tin nhắn quảng cáo để chống tin rác
- Công bố Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT
- Sống khỏe mỗi ngày cùng VinaPhone
- Việt Nam - Australia đẩy mạnh hợp tác viễn thông
- Lại khổ vì tin nhắn “rác”
- Thêm tiền vào tài khoản qua iClever của VinaPhone
- Những trang mạng mang tên lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Đều là mạo danh
- Viễn thông Đà Nẵng: Tổ chức huấn luyện công tác an toàn vệ sinh lao động, Phòng cháy chữa cháy năm 2015
- FTTH: Bùng nổ