TIN TỨC > TIN CHUYÊN NGÀNH

Có 57,371 người đã xem bài viết này!

VNPT sẽ ra mắt 3 tổng công ty mới

Chiều 15/5/2015, VNPT sẽ chính thức ra mắt 3 tổng công ty là Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net), Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VinaPhone (VNPT-VinaPhone) và Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media).


 

 

Ba tổng công ty của VNPT được hình thành trên cơ sở sắp xếp lại từ các công ty của VNPT như sau:

Tổng công ty VNPT-VinaPhone sẽ được xây dựng trên cơ sở hợp nhất các đơn vị, bộ phận đang kinh doanh dịch vụ viễn thông của VNPT để tập trung kinh doanh các dịch vụ viễn thông của VNPT như VinaPhone, VDC, VTN, VTI chứ không chia cắt kinh doanh từng dịch vụ như trước đây.

VNPT-Net được tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hạ tầng mạng lưới viễn thông của VNPT hiện nay. VNPT-Net sẽ được tổ chức lại trên nền tảng hợp nhất phần mạng lưới của các công ty như VinaPhone, VDC, VTN, VTI.

VNPT-Media sẽ được tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hoạt động kinh doanh sản phẩm phần mềm, dịch vụ giá trị gia tăng, truyền thông hiện nay của VNPT để kinh doanh, cung cấp các dịch vụ CNTT, truyền thông đa phương tiện và dịch vụ ứng dụng viễn thông. Như vậy, VNPT-Media sẽ được tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Trung tâm thông tin và Quan hệ công chúng, VASC, VDC.

Tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập 3 tổng công ty trên của VNPT.

Theo đó, VNPT-VinaPhone có vốn điều lệ là 5.200 tỷ đồng với ngành nghề kinh doanh là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông-CNTT, truyền thông, truyền hình; dịch vụ nội dung, giá trị gia tăng; kinh doanh dịch vụ tư vấn, khảo sát, thiết kế, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, CNTT, truyền thông; kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối bán buôn, bán lẻ các vật tư, trang thiết bị thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông, CNTT; đại lý bán vé máy bay và các phương tiện vận tải khác. Mục tiêu đến năm 2020 của VNPT-VinaPhone đạt doanh thu 26.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 49%/năm; chiếm thị phần dịch vụ di động trên 30%, dịch vụ băng rộng trên 80%.

Vốn điều lệ của VNPT-Media là 2.300 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh của VNPT-Media là tổ chức nghiên cứu, phát triển, sản xuất, bán buôn các sản phẩm dịch vụ phần mềm, dịch vụ nội dung, giá trị gia tăng, truyền thông, truyền hình; quản lý và thực hiện hoạt động truyền hình, cung cấp chương trình thuê bao; thực hiện các hoạt động xuất bản sách, ấn phẩm định kỳ; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động sản xuất phim điện ảnh, phim video và chưong trình truyền hình...

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, theo Quyết định số 888 ban hành ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014 - 2015 thì 3 đơn vị gồm VNPT-Net, VNPT-Media, VNPT-VinaPhone sẽ hoạt động theo mô hình Công ty TNHH Một thành viên. Tuy nhiên, nếu đưa 3 Công ty TNHH Một thành viên này thành 3 Tổng công ty thì VNPT mới có bộ máy tương đồng như Viettel nhằm cạnh tranh bình đẳng về mọi mặt, trong đó có tổ chức. Vì vậy, Bộ TT&TT đã đề nghị Chính phủ đưa 3 đơn vị này thành Tổng công ty.

Trước đó, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho biết, VNPT đã hoàn thành việc tái cơ cấu 63 viễn thông tỉnh, thành phố và chuyển 1,7 vạn trên tổng số 3,6 vạn lao động sang khối kinh doanh. Sau khi được sắp xếp lại, các viễn thông tỉnh, thành đang hoạt động khá tốt theo mô hình mới. Bộ máy của VNPT bắt đầu chuyển động tốt sau khi áp dụng cơ chế quản lý mới bằng biện pháp kinh tế. Trong đó, VNPT giao quyền chủ động cho các VNPT địa phương tự quyết về sử dụng vốn đầu tư khả dụng mà Tập đoàn giao hàng năm theo các định hướng phát triển của Tập đoàn. Như vậy, các đơn vị địa phương phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh vốn đầu tư của mình. Tập đoàn tập trung giám sát chặt chẽ việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của đơn vị. Với cơ chế giao vốn đầu tư như vậy, Tập đoàn sẽ loại bỏ được cơ chế “xin-cho” và các đơn vị linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh nhịp đầu tư theo thị trường.

Cũng theo ông Trần Mạnh Hùng, với cơ cấu mới của VNPT, các đơn vị viễn thông tỉnh, thành sẽ tách riêng phần kinh doanh, bán hàng và mạng lưới. Hiện đã có hơn 20 đơn vị thực hiện tách phần kinh doanh, bán hàng theo cơ cấu mới. Khi viễn thông tỉnh, thành tách phần kinh doanh và mạng lưới thì tất cả các cơ chế kinh tế này sẽ chuyển từ cơ chế nội bộ sang cơ chế hạch toán độc lập.

Ông Trần Mạnh Hùng khẳng định, áp dụng cơ chế quản lý mới sẽ không còn chuyện làm giám đốc cho đến khi nghỉ hưu. Thay vào đó là người đứng đầu các đơn vị nếu không đảm bảo hiệu quả kinh doanh sẽ phải miễn nhiệm để tìm kiếm những người có năng lực thay thế. Cơ chế này sẽ tạo động lực cho tất cả các đơn vị trong VNPT phấn đấu sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.

 Thái Khang (Theo ictnews.vn)

Trang 37 38 39 40 41 42 43 44 45 >