TIN TỨC > TIN CHUYÊN NGÀNH

Có 57,502 người đã xem bài viết này!

VNPT cần thêm nhiều “chiến binh” viễn thông - CNTT

Làm việc với VNPT sáng 9/6, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đặt ra hàng loạt câu hỏi về hiện trạng và tiềm năng phát triển của tập đoàn, trong đó nhấn mạnh tới khía cạnh đầu tư phát triển các “chiến binh” viễn thông-CNTT.

Sáng 9/6, Đoàn công tác của Bộ TT&TT do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Thứ trưởng Phan Tâm dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ở Hà Nội. 

Tiếp đoàn có Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long, và các cán bộ chủ chốt của Tập đoàn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ TT&TT tới thăm và làm việc với VNPT sáng 9/6.

Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, Tổng Giám đốc Phạm Đức Long nhấn mạnh lại lộ trình cũng như kết quả của hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp, chẳng hạn: Đã chuyên biệt hóa kinh doanh tại 63 tỉnh thành và các công ty dọc; Trước chỉ có 4.000 người làm kinh doanh trong tổng số 44.000 nhân sự trên toàn quốc, nhưng sau tái cơ cấu đã nâng tổng số người làm kinh doanh lên 15.000; Số lượng điểm bán hàng tăng gấp 3 so với trước tái cơ cấu (hiện có hơn 130.000 điểm bán hàng trên phạm vi toàn quốc)...

Tổng Giám đốc VNPT đã chia sẻ nhanh một số số liệu chứng minh hiệu quả của hoạt động tái cơ cấu. Cụ thể: Tổng lợi nhuận thực hiện của VNPT giai đoạn 2011 – 2015 đạt 37.037 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,6%/năm nhưng riêng giai đoạn 2013 – 2015, giai đoạn trọng điểm tái cơ cấu VNPT, lợi nhuận tăng trưởng bình quân 16%/năm.

Tổng doanh thu của Tập đoàn cả giai đoạn đạt 562.653 tỷ đồng, đạt 100,9% kế hoạch, tăng trưởng bình quân 3,9%/năm. Riêng 2013 – 2015 tăng trưởng bình quân 6%/năm. Tổng nộp ngân sách nhà nước cả giai đoạn đạt 34.419 tỷ đồng, đạt 111,4% kế hoạch, tăng trưởng bình quân 5,4%/năm (riêng 3 năm tăng trưởng bình quân 17,6%/năm). Tổng vốn đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2015 đạt 52.907 tỷ đồng, đạt 78,8% kế hoạch, bình quân giảm 16,7%/năm.

Ghi nhận những kết quả đạt được của VNPT, song với sự kỳ vọng rất lớn vào Tập đoàn này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã đặt ra hàng loạt câu hỏi. Trong đó nhấn mạnh vào vấn đề nguồn nhân lực: “Con người là yếu tố quan trọng nhất, đặc biệt trong tất cả các công ty viễn thông và CNTT chứ không riêng VNPT. Để cạnh tranh, VNPT cần có chiến lược con người theo chuẩn quốc tế để vươn ra biển lớn. Phải sắp xếp con người vào đúng vị trí để phát huy năng lực và trình độ”.

Thứ trưởng Phan Tâm cũng đồng quan điểm cho rằng: "VNPT phải là một binh đoàn thiện chiến gồm nhiều chiến binh viễn thông - CNTT thì mới có thể cạnh tranh và vươn ra biển lớn".

Sử dụng khái niệm “chiến binh” viễn thông – CNTT để nói về những người làm viễn thông – CNTT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đặt ra một số vấn đề: VNPT có đề án con người chuyên biệt hay chưa? Có bị chảy máu chất xám không? Đã chuẩn hóa trình độ quốc tế chưa?...

Tổng Giám đốc VNPT báo cáo nhanh tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, trong đó nhấn mạnh những số liệu chứng minh sự thành công của quá trình tái cơ cấu.

Giải đáp những câu hỏi của Bộ trưởng, Tổng Giám đốc Phạm Đức Long cho biết: VNPT hiện có 1.500 lao động làm về CNTT, trong đó 800 người làm phần mềm. Hiện VNPT đang triển khai một số sản phẩm phần mềm chủ lực như: Sản phẩm chính phủ điện tử gồm hệ thống quản lý điều hành, trao đổi văn bản, hội nghị truyền hình, email (40 tỉnh thành đã triển khai, trong đó 17 tỉnh thành triển khai toàn bộ, liên thông dọc từ cấp tỉnh đến xã, liên thông ngang tất cả các sở ngành, mới đây liên thông với Văn phòng Chính phủ, đạt mức liên thông 4 cấp về chính phủ điện tử).

Thứ hai là hệ thống phẩn mềm quản lý khám chữa bệnh: đã triển khai khoảng 3.700 cơ sở y tế/tổng số 14.000 cơ sở y tế trên toàn quốc. VNPT đang tiếp tục triển khai hợp tác sản phẩm y tế quản lý khám chữa bệnh để phục vụ 90 triệu dân.

Thứ 3 là sản phẩm cho giáo dục, hiện có 9.100 trường, 3,8 triệu học sinh đang sử dụng. Thứ 4, VNPT đang phối hợp triển khai là sản phẩm cho tài nguyên môi trường, quản lý đất đai. Thứ 5 là sản phẩm thành phố thông minh.

“Quan điểm làm CNTT đã được truyền đạt đến từng người lao động của VNPT. Anh em các tỉnh đã sôi sục làm CNTT. Họ khám phá ra đây là chân trời mới. Thị trường rất lớn, nhưng nguồn lực con người để triển khai còn hạn chế. Tập đoàn đã cho các đơn vị chủ động tuyển nhân lực CNTT. Đồng thời triển khai một số giải pháp như tập trung đào tạo lại kỹ sư điện tử viễn thông thành nhân lực triển khai, hỗ trợ vận hành các hệ thống viễn thông – CNTT”, Tổng Giám đốc Phạm Đức Long nói.

Về cơ chế tiền lương của VNPT, từ năm 2013 – 2016, tuy lao động giảm trên 5.000 lao động (gần 12%), nhưng quỹ tiền lương đã tăng 33%. Tiền lương bình quân tăng 51%. Người lao động có thu nhập bình quân trên 11 triệu/người/tháng, đến năm 2016 dự kiến gần 18 triệu đồng/người.

Nhận định chung rằng toàn Tập đoàn chưa có hiện tượng “chảy máu chất xám”, ông Phạm Đức Long cũng khẳng định: “Giữ chân con người là vấn đề VNPT rất quan tâm. Đầu tiên là cơ chế động lực, gồm thu nhập và cơ hội thăng tiến. Về thu nhập, hiện áp dụng cơ chế làm nhiều hưởng nhiều, lương của nhiều chuyên viên người lao động còn cao hơn lương của Ban Giám đốc. Về môi trường làm việc, hiện nhiều vị trí còn đang trăn trở tìm người phụ trách, vẫn phải biệt phái hoặc bố trí phụ trách trong khi đi tìm cán bộ phù hợp”.

Toàn cảnh buổi làm việc

Ngoài vấn đề về nhân lực, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã đề nghị VNPT quan tâm tới một số vấn đề khác như:

Về CNTT, tập đoàn cần phải có lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng tới từng cán bộ, công nhân viên, phải cụ thể hóa bằng doanh thu và hiệu quả, hàng năm phải xem có đạt mục tiêu không; tránh chuyện chuyển doanh thu từ mảng này sang mảng khác.

Về viễn thông, VNPT phải xây dựng được hạ tầng viễn thông thông minh, an toàn cho người sử dụng.

Về kinh doanh, sau tái cấu trúc đã có chuyển biến rõ nét nhưng cần tạo sự khác biệt trong kinh doanh, đáp ứng khách hàng trong khoảng thời gian cam kết cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Về công nghệ viễn thông, mạng viễn thông là nền tảng, xương sống kinh doanh và phát triển của VNPT. Cần phải xem lại khi triển khai các dịch vụ viễn thông, CNTT, thực chất "xương sống" đã đủ khỏe chưa, có đủ chắc chắn để bảo vệ an toàn cho người sử dụng, qua được các đợt tấn công của tin tặc quốc tế hay chưa.

Mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020 của VNPT: Tổng lợi nhuận toàn tập đoàn dự kiến đạt 19.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,8%/năm, tăng 97,1% so với dự kiến thực hiện giai đoạn 2011 – 2015. Tổng doanh thu toàn VNPT dự kiến đạt 499.700 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6%/năm, tăng 27,7% so với giai đoạn trước. Trong đó, doanh thu viễn thông – CNTT trực tiếp từ khách hàng của khối kinh doanh dịch vụ viễn thông – CNTT đạt 247.350 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,8%/năm, tăng 29% so với giai đoạn trước. Tổng nộp ngân sách nhà nước dự kiến đạt 21.120 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 8,8%/năm, tăng 14,9% so với giai đoạn trước. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự kiến 52.200 tỷ đồng.

Bình Minh (Theo Infonet)

(Theo vnpt.vn) 

CÁC TIN LIÊN QUAN

Trang 22 23 24 25 26 27 28 29 30