TIN TỨC > TIN CHUYÊN NGÀNH

Có 57,169 người đã xem bài viết này!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "VNPT là bài học tốt cho tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước"

Tại buổi làm việc với VNPT sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, rất nhiều người ngại tái cơ cấu vì có thể rủi ro, va chạm, thế nhưng VNPT đã quyết liệt thực hiện tái cơ cấu một cách toàn diện và đạt kết quả tốt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với VNPT.

Tái cơ cấu đã đem lại sức bật cho VNPT

Ngày 4/8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với VNPT về việc thực hiện tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ. Báo cáo Thủ tướng về kết quả tái cơ cấu, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho biết, trước tái cấu trúc, VNPT có 163 đầu mối quản lý, bao gồm 78 đơn vị kinh tế trực thuộc, hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT và 85 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có vốn góp. Mô hình hoạt động của VNPT có nhiều bất cập, hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh qua nhiều khâu trung gian, chưa xuyên suốt và không thống nhất, chưa tập trung vào xây dựng chiến lược phát triển, đổi mới tổ chức quản trị, công nghệ, sản phẩm, thị trường. Thêm vào đó, cơ chế quản lý các đơn vị hạch toán phụ thuộc chậm được đổi mới dẫn đến việc trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.

"Trùng lặp nhiệm vụ giữa các đơn vị, sản phẩm dịch vụ cung cấp chồng chéo, cạnh tranh nội bộ nên dẫn đến làm giảm sức mạnh của VNPT. Hạ tầng kỹ thuật mạng lưới do nhiều đơn vị quản lý nên nguồn lực phân tán và chia cắt; chưa tối ưu hóa được mạng lưới. Thêm vào đó, hệ thống kênh bán hàng gần như không có, lao động làm công tác kinh doanh chỉ chiếm khoảng 10% tổng số lao động của toàn VNPT dẫn đến mất thị phần. Mảng CNTT tuy có tiềm năng, nhưng chưa xây dựng được một đơn vị chủ lực mạnh; sản phẩm dịch vụ về CNTT của VNPT gần như chưa có gì”, ông Trần Mạnh Hùng nói.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT báo cáo Thủ tướng về kết quả tái cơ cấu của Tập đoàn.

Ông Trần Mạnh Hùng cũng thẳng thắn đưa ra một thực trạng số lượng lao động đông, độ tuổi trung bình của VNPT cao, trong đó lao động gián tiếp chiếm tỷ lệ lớn từ 22% - 25%, năng suất lao động và thu nhập bình quân thấp. Việc bố trí và sử dụng cán bộ chưa kiên quyết, chưa mạnh dạn thay thế những cán bộ không đủ năng lực, trình độ đảm đương công việc.

Tại buổi làm việc, ông Trần Mạnh Hùng báo cáo quá trình tái cơ cấu của VNPT đã thực hiện gồm 3 giai đoạn. “VNPT đã từng bước chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang phát triển, cung cấp các sản phẩm dịch vụ viễn thông – công nghệ thông tin. Chúng tôi đã áp dụng các phương pháp quản trị hiện đại (quản trị theo quy trình chuẩn, công cụ thẻ điểm cân bằng BSC, trả lương theo 3Ps…); thực hiện phân phối thu nhập theo năng suất lao động của từng cá nhân từ đó tạo động lực cho người lao động và đơn vị, loại bỏ tình trạng lao động được bố trí công việc không đúng năng lực, hưởng lương không tương quan với kết quả làm việc; tạo động lực tới người lao động”, ông Trần Mạnh Hùng nói.

Vẫn theo ông Trần Mạnh Hùng, tổ chức hoạt động của VNPT sau tái cấu trúc đã được phân thành 3 lớp “Dịch vụ - Hạ tầng - Kinh doanh” theo đúng mô hình chuỗi của doanh nghiệp viễn thông - CNTT hiện đại; tạo tiền đề cho việc thay đổi về chất trong các hoạt động quản trị doanh nghiệp. VNPT-Net, VNPT-VinaPhone, VNPT-Media đã hoạt động ổn định; cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, cơ chế quản lý nội bộ được điều chỉnh cho phù hợp với mô hình mới và dần phát huy hiệu quả. Hiện nay số đầu mối quản lý đã giảm từ 163 đơn vị xuống còn 146 đơn vị và tiến tới mục tiêu là giảm đầu mối quản lý xuống dưới 94 đơn vị vào năm 2017.

Cùng với đó, VNPT đã khởi động thực hiện việc tái cấu trúc khối công nghiệp của VNPT nhằm tạo nền tảng phát triển công nghệ, công nghiệp mạnh, giúp Tập đoàn đột phá về năng lực cạnh tranh trên thị trường; từng bước triển khai việc tự thiết kế, tổ chức sản xuất các thiết bị đầu cuối quang, tivi… đáp ứng 100% nhu cầu của VNPT và thị trường, đảm bảo an ninh, an toàn mạng lưới và chủ động trong triển khai các hoạt động kinh doanh của VNPT.

Hệ thống kênh bán hàng được hình thành thống nhất, xuyên suốt trên phạm vi toàn quốc; tổ chức kênh bán hàng trực tiếp chuyên biệt cho nhóm khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức - doanh nghiệp. Công tác phát triển khách hàng tổ chức, doanh nghiệp được chuyên biệt hóa và tạo được đột phá; đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông - CNTT với các doanh nghiệp lớn (Becamex, Petrolimex, VNR, Techcombank, BIDV,…) và 45 UBND tỉnh, thành phố... làm cơ sở cho các đơn vị trong VNPT triển khai những dịch vụ viễn thông và ứng dụng CNTT tại địa bàn.

Ông Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng, việc thay đổi về chất trong các hoạt động quản trị đầu tư của VNPT sau tái cơ cấu đã xóa bỏ hoàn toàn cơ chế xin - cho vốn đầu tư, dự án... Vốn đầu tư được phân bổ theo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn; từng bước thực hiện đầu tư mua sắm tập trung nhằm chuyên nghiệp hóa công tác đầu tư, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư và năng suất lao động của khối đầu tư. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động quản lý sau tái cơ cấu của các đơn vị đã giảm từ hơn 25% xuống gần 10%, gần 40% số lao động chuyên môn nghiệp vụ đã được tăng cường cho hoạt động trực tiếp kinh doanh. Việc áp dụng các công cụ quản trị hiện đại tạo bước thay đổi trong việc bố trí, sử dụng lao động hiệu quả cho VNPT; loại bỏ tình trạng lao động ngồi nhầm chỗ, hưởng nhầm lương; thu nhập bình quân người lao động giai đoạn 2014-2015 đã tăng trưởng được hơn 30% so với thời kỳ 2012-2013.

Báo cáo Thủ tướng qua cầu truyền hình, đại diện VNPT Bến Tre cho biết, sau khi tái cơ cấu, lao động chuyển sang khối kinh doanh là 45%, giảm lao động quản lý từ 20% xuống còn 10%. Trước tái cơ cấu, doanh thu bình quân mỗi lao động của VNPT Bến Tre chưa được 1 tỷ đồng/năm, nhưng sau tái cấu trúc doanh thu này đã tăng lên 1,4 tỷ đồng/năm và thu nhập của người lao động cũng tăng hơn so với trước.

Tái cơ cấu VNPT sẽ là kinh nghiệm cho tái cơ cấu doanh nghiệp khác

Mở đầu bài phát biểu tại VNPT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sở dĩ ông chọn VNPT để đến thăm vì Tập đoàn đã thực hiện tái cơ cấu và đạt kết quả khá toàn diện. Đó chính là quyết tâm của lãnh đạo VNPT. "Tôi cho rằng, làm gì không quyết tâm khó thành công. Có nhiều biện pháp nhưng coi trọng biện pháp khoa học đổi mới sáng tạo… VNPT đã  tiến hành tái cơ cấu để tập trung thống nhất, áp dụng biện pháp quản trị doanh nghiệp tốt, chất lượng dịch vụ nâng lên và hiệu quản sản xuất kinh doanh được nâng lên, vốn nhà nước được bảo tồn và phát triển", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Kết quả tái cơ cấu của VNPT mang lại bài học kinh nghiệm tốt cho tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước của nước ta".

“Khi tái cơ cấu, VNPT đã đoàn kết nội bộ cùng hiệp lực phát triển tái cơ cấu thành công. Trong quá trình tái cơ cấu đó, VNPT đã quan tâm đến cán bộ trẻ, có năng lực. Tôi vẫn nói rằng căn bệnh tìm bà con, tìm người ăn dơ với mình là căn bệnh nặng của các doanh nghiệp nhà nước nhưng VNPT làm được như vậy là rất tốt. Tôi ấn tượng về cách quản lý của VNPT đó là quản lý đầu tư công khai minh bạch, chống xin - cho ban phát. Sau khi tái cơ cấu, doanh thu và lợi nhuận của VNPT tăng trưởng tốt, thu nhập của người lao động tăng. VNPT đã chú trọng vào sản xuất công nghiệp và công nghệ cao… Tôi đánh giá cao mối quan hệ chặt chẽ của VNPT với các địa phương để triển khai Chính phủ điện tử, thành phố thông minh như tại TP.HCM.  Kết quả tái cơ cấu của VNPT mang lại bài học kinh nghiệm tốt cho tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước của nước ta”, Thủ tướng nhận định.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã đánh giá cao những kết quả mà VNPT đạt được sau tái cơ cấu. Để đạt được kết quả như vậy là nhờ sự đoàn kết và quyết tâm trong tư duy và hành động của lãnh đạo VNPT nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động sản xuất kinh doanh. VNPT cơ bản đã hoàn thành đề án tái cơ cấu mà Chính phủ và Bộ TT&TT đưa ra. Để tiếp tục đưa VNPT phát triển, Bộ trưởng cho rằng VNPT phải tiến tới làm chủ công nghệ, giảm phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài và chủ động triển khai hiệu quả 4G trong thời gian tới. VNPT cũng cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ nhân lực mạnh và đề cao tinh thần đoàn kết.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã đánh giá cao những kết quả mà VNPT đạt được sau tái cơ cấu.

Cũng tại buổi làm việc này, ông Phạm Viết Thanh, Bí Thư đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương khẳng định, VNPT là đơn vị tái cơ cấu tốt nhất. Trước khi tái cơ cấu, VNPT đứng trước nhiều nguy cơ lớn như mất thị phần, nhưng sau khi tái cơ cấu VNPT đã phát triển tốt. Ông Phạm Viết Thanh cũng đánh giá việc áp dụng phương thức quản trị hiện đại và cơ chế đánh giá người lao động thể hiện tính minh bạch, thậm chí có những lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ đã tự nguyện xin nghỉ chứ không có không khí nặng nề.

 

Bài: Thái Khang. Ảnh: Việt Hải
(Theo http://ictnews.vn)

CÁC TIN LIÊN QUAN

Trang 19 20 21 22 23 24 25 26 27