TIN TỨC > CHUYÊN MỤC ĐOÀN THANH NIÊN

Có 14,398 người đã xem bài viết này!

Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 08/2019

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN

Tháng 8/2019


 

  • 01-8-1976: Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo

  • 15-8-1945: Ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam

  • 19-8-1945: Cách mạng tháng Tám, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền

  • 19-8-1945: Ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam

  • 20-8-1888: Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng

----------------------

 

Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo (01/8) mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hoá sâu sắc

 

Ngày 1/8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.

Lịch sử Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng gắn liền với quá trình ra đi tìm con đường cứu nước và truyền bá con đường cứu nước đó vào Việt Nam của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Vượt qua sự hạn chế về tư tưởng cứu nước của các sĩ phu yêu nước và các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, mà sự kiện có ý nghĩa quyết định chính là khi Người đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng toàn văn trên báo Nhân đạo ngày 16 và 17-7-1920. Từ đó, Người ra sức truyền bá con đường cứu nước vào Việt Nam. Công tác tuyên truyền được Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối trực tiếp tiến hành bằng các hình thức in ấn, xuất bản, phát hành tài liệu, sách, báo, truyền đơn, tổ chức lớp huấn luyện cán bộ… Đồng thời, các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã lập ra những bộ phận chuyên phụ trách công tác tuyên truyền như Ban Huấn luyện, Bộ Tuyên truyền….

Những hoạt động đó đã góp phần tích cực tiến tới sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc: thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930. Sau Hội nghị thành lập Đảng, nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng ta là tuyên truyền những văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng. Xuất phát từ yêu cầu đó, Đảng đã thành lập Ban Cổ động và tuyên truyền của Đảng. Ban Cổ động và tuyên truyền đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động công nhân, nông dân mít tinh, biểu tình chống khủng bố, đòi độc lập dân tộc, dân chủ. Đặc biệt, vào ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng đã xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1/8” nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô-Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu giữ cho đến nay đề rõ“Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Tài liệu này khi vừa được phát hành đã gây được dư luận rất lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô-viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Kể từ ngày 1 tháng 8 đến tháng 10 năm 1930, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân ta.

Từ đó, ngày 1/8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.

Căn cứ vào những tài liệu và sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (Khoá VIII) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng – văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.

Như vậy, Ngày 1-8-1930 được coi là Ngày thành lập, hoặc Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng. Nhưng trên thực tế, công tác tuyên giáo đã có từ trước khi thành lập Đảng, từ khi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu các hoạt động truyền bá con đường cứu nước vào Việt Nam.

Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo (1-8) mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hoá sâu sắc. Đó là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của lĩnh vực công tác tuyên giáo của Đảng – lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong các hoạt động thành lập Đảng Cộng sản cũng như trong công tác lãnh đạo của Đảng. Trải qua lịch sử 80 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau và có những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, nhưng trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, lĩnh vực tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng.

Đây là dịp để cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các ngành và cán bộ làm công tác tuyên giáo nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo, coi đó là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Công tác tuyên giáo bao gồm các lĩnh vực: lý luận chính trị, tư tưởng, văn hoá, khoa học, giáo dục… nó tác động đến tư tưởng, trí tuệ, tình cảm của con người một cách tinh tế, nhạy bén, đòi hỏi phải không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng với những yêu cầu ngày càng cao mới đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

Đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng trên lĩnh vực công tác tuyên giáo. Qua đó, góp phần củng cố, giữ vững trận địa tuyên giáo của Đảng, bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, kiên định các nguyên tắc, nâng cao niềm tin trong Đảng và nhân dân. Đây cũng là dịp các cấp uỷ đảng tăng cường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo; cơ quan quản lý nhà nước các cấp tăng cường mối quan hệ, phối hợp công tác với ban tuyên giáo các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Thông qua các hoạt động kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo để ôn lại và phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành Tuyên giáo, củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng, bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn của Ngành Tuyên giáo và cuộc chiến đấu vinh quang của các thế hệ đi trước. Đây cũng là dịp để cán bộ ngành tuyên giáo và đông đảo cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên các lĩnh vực tuyên giáo ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, biểu thị quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nguồn: tuyengiao.vn

 

Ngày 19/08/1945: Cách mạng tháng Tám, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền

 

Đầu năm 1945, quân đội Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường Châu Âu, giải phóng hàng loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt của phát xít Đức ở Béclin. Ngày 8/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, đẩy quân phiệt Nhật vào tình thế thất bại. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, nhận định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã tới, những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi. Uỷ ban khởi nghĩa gửi quân lệnh số 1 cho đồng bào và cho chiến sĩ cả nước ngay trong đêm ấy.

Ngày 16/8/1945, đại hội họp ở Tân Trào đã thông qua “10 Chính sách lớn của Việt Minh”, thông qua “lệnh tổng khởi nghĩa” quyết định Quốc Kỳ nền đỏ, sao vàng, chọn bài tiến quân ca làm Quốc ca và bầu ra uỷ ban dân tộc giải phóng Trung Ương, tức chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã tiến hành cuốc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng tám thành công.

Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ 14/8, một ngày sau khi Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc. Từ ngày 14 đến 18, tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng miền Bắc, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và các thị xã Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hội An.

Ngày 17/8, ở Hà Nội, tổng hội viên chức chính quyền bù nhìn tổ chức một cuộc mittinh lớn tại Quảng trường nhà hát thành phố, có hàng vạn người tham gia để ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Trong mittinh này, dưới sự lãnh đạo của xứ Uỷ Bắc Kỳ và thành Uỷ Hà Nội, quần chúng cách mạng đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng, chiếm lấy diễn đàn cuộc mittinh, cán bộ Việt Minh đã diễn thuyết báo tin cho đồng bào biết quân phiệt Nhật đã đầu hàng và giới thiệu chủ trương đường lối cứu nước của Việt Minh, kêu gọi nhân dân đánh đổ chính quyền bù nhìn thân Nhật. Cuộc mittinh đã tiến thành cuộc biểu tình, tuần hành thị uy, bắt đầu từ quảng trường nhà hát thành phố và lan khắp nơi trên phố phường Hà Nội. Cả Hà Nội tưng bừng khí thế sục sôi khởi nghĩa.

Ngụy quyền cực kỳ bối rối hoang mang, chúng dựng lên cái gọi là “Uỷ ban chính trị” đề nghị với Việt Minh: “Đằng nào các ông cũng thắng, nhưng để điều đình với Đồng Minh sẽ vào Đông Dương giải giáp quân Nhật, đề nghị vùng nông thôn cách thành phố 15km là thuộc quyền các ông, còn thành phố cần có nhân sĩ, trí thức đứng ra giao dịch với Đồng Minh”.

Đại biểu Việt Minh đã trả lời dứt khoát, “giao dịch với Đồng Minh lúc này, ngoài Việt Minh không ai có thể có lực lượng và danh nghĩa cả”.

Sáng ngày 19/8, theo lời kêu gọi của Việt Minh, cả Hà Nội vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng xuống đường tiến thẳng về trung tâm Nhà hát thành phố để dự mittinh. Họ vừa đi vừa hô khẩu hiệu:

* Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.

* Thành lập chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam.

* Anh em binh lính hãy mang súng gia nhập hàng ngũ chiến đấu bên cạnh Việt Minh.

* Việt Nam hoàn toàn độc lập.

Cuộc mittinh diễn ra vào ngày 19/8/1945. Sau loạt súng chào cờ và bài Tiến Quân Ca, đại biểu uỷ ban quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu của Việt Minh. Cuộc mittinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm phủ khâm sứ, trại lính bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn. Từ Hà Nội, làn sóng cách mạng toả đi khắp nơi, cả nước vùng dậy đấu tranh giành chính quyền và liên tiếp giành thắng lợi. Cách mạng tháng tám là sự kiện vĩ đại trong lich sự dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước, lần đầu tiên chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam ra đời.

Nguồn: lichsuvietnam.vn

 

Ngày 19/8/1945: Ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam

 

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trong cao trào cách mạng 1930-1931, Đảng đã tổ chức “Đội tự vệ đỏ” để bảo vệ chính quyền Xô-viết, chống địch khủng bố, trấn áp bọn phản cách mạng và giữ gìn an ninh trật tự. Từ đó trở đi, tổ chức “Đội tự vệ” đã xuất hiện trong các cuộc đấu tranh của quần chúng, các “Đội tự vệ” , “Đội danh dự trừ gian” , “Đội trinh sát”, “Đội hộ lương diệt ác” ở khu giải phóng trước ngày Tổng khởi nghĩa là những tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam.

Ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở Thủ đô Hà Nội, chính quyền thực dân phong kiến bị đập tan, lực lượng an ninh cách mạng cùng các lực lượng khởi nghĩa khác chiếm lĩnh các trụ sở chính quyền cũ, bảo vệ cuộc khởi nghĩa thắng lợi.

Ngày 19/8/1945 được lấy làm ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam.

Đêm 13/7/1946, lực lượng CAND Thủ đô, được sự phối hợp của các đơn vị Vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu, đã đập tan âm mưu phản cách mạng định lật đổ chính quyền của ta vào 14/7 do bọn phản động Việt quốc, Việt cách tổ chức. Các sào huyệt của chúng ở 80 phố Quán Thánh, 162 phố Bùi Thị Xuân, 7 phố Ôn Như Hầu, ở Trúc Bạch, Ngũ Xã bị phá tan, nhiều tên phản động bị tóm gọn, tội ác của chúng bị phơi trần.

Bước vào cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ, Công an đã kịp thời chuyển hướng tổ chức và hoạt động. Trước tiên là đảm bảo an toàn việc di chuyển toàn bộ các cơ quan chính quyền, đoàn thể và tản cư nhân dân ra khỏi vùng có chiến sự; bảo vệ việc vận chuyển tài liệu, kho tàng, tài sản nhà nước; xây dựng và bảo vệ căn cứ địa kháng chiến; có kế hoạch chiến đấu ngay trong vùng địch chiếm đóng và đối phó với âm mưu của chúng đánh ra vùng tự do.

Tháng 3/1948, trong thư gửi Công an khu XII, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định:

Tư cách người công an cách mệnh là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải kiên quyết, khôn khéo.

Từ đó trở đi, cán bộ chiến sĩ công an đều ra sức rèn luyện và phấn đấu theo 6 điều Bác Hồ dạy.

Các lực lượng công an đã hoạt động khôn khéo, mưu trí, dũng cảm chiến đấu với bọn phòng nhì Pháp, đi sâu vào lòng địch, phá vỡ những âm mưu tình báo gián điệp của chúng, giữ vững an ninh trật tự vùng có chính quyền nhân dân, phục vụ các chiến dịch, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi. Nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt như Bửu Đóa ở Khánh Hòa, Bùi Thị Cúc ở Hưng Yên, Võ Thị Sáu ở Bà Rịa v.v… làm rạng rỡ Công an nhân dân Việt Nam và dân tộc ta.

Trong công cuộc bảo vệ miền Bắc và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, cùng với các lực lượng khác, công an đã tổ chức bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ, bảo vệ chính quyền, tính mạng và tài sản của nhân dân. Phong trào bảo vệ trị an, “bảo mật phòng gian” phát triển mạnh mẽ đã phát hiện, tiêu diệt nhiều tổ chức gián điệp, biệt kích của địch cài cắm lại hoặc do Mỹ, ngụy tung ra miền Bắc nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng. Cuộc đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội có kết quả.

Lực lượng an ninh miền Nam đấu tranh chống hoạt động tình báo, gián điệp và các tổ chức phản động, phục vụ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, Tổ quốc độc lập, thống nhất, đi lên CNXH. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch khác tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của chúng ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ. Cuộc vận động “Xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phong trào học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy đã thúc đẩy lực lượng công an hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều âm mưu gây rối, gây bạo loạn bị dập tắt. Cuộc đấu tranh chống tội phạm hình sự, giữ gìn trật tự an toàn xã hội từng bước có kết quả.

Công an nhân dân Viêt Nam tiếp tục kế thừa và phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế với lực lượng an ninh và nội vụ các nước anh em, bè bạn trên thế giới. Trong công cuộc đổi mới, công an nhân dân đang nỗ lực phấn đấu góp phần xứng đáng vào sự nghiệp ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Công an nhân dân Việt Nam đã 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng vào các năm 1980, 1985 và 2000.

Nguồn: lichsuvietnam.vn

 

 

Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 30/3/1980)

 

Đồng chí Tôn Đức Thắng, sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888 trong một gia đình nông dân khá giả tại Cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hoà Hưng, Tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).

Năm1906, sau khi học xong bậc sơ học ở trường tiểu học Long Xuyên, Tôn Đức Thắng rời quê lên Sài Gòn và đến với giai cấp công nhân đang trong quá trình hình thành. Truyền thống quật cường của quê hương đất nước và cuộc sống giai cấp công nhân đã sớm rèn luyện nhiệt tình yêu nước trong Tôn Đức Thắng. Từ đây, Tôn Đức Thắng đã hòa nhập trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp.

Tại Sài Gòn, Tôn Đức Thắng học việc và làm thợ ở nhiều nơi. Năm 1912, tổ chức cuộc bãi khóa của học sinh trường Cơ khí Á Châu (còn gọi là trường Bá Nghệ- nay là trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) đòi thực hành quy chế của trường, chống đánh đập học sinh, phong trào này đã được công nhân Ba Son hưởng ứng.

Năm 1915 – 1917, học thợ máy ở trường Bá Nghệ, nhưng chưa học xong đã bị động viên sang Pháp làm lính thợ phục vụ chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Tôn Đức Thắng làm việc trên chiến hạm France, xưởng Arsenal, quân cảng Toulon.

Năm 1919, Tôn Đức Thắng bị điều động tới một đơn vị hải quân được lệnh tiến công Xêvaxtôpôn trên bờ Hắc Hải trấn áp nước Nga Xô Viết mới ra đời. Tôn Đức Thắng đã cùng các bạn lính thợ tham gia phản chiến bằng hành động kéo lá cờ đỏ lên cột cờ chiến hạm.

Năm 1920, sau cuộc binh biến, Tôn Đức Thắng bị trục xuất khỏi nước Pháp. Trở về Sài Gòn, Tôn Đức Thắng vận động những người có cùng chí hướng thành lập Công hội bí mật. Dưới sự lãnh đạo của Công hội mà đồng chí Tôn Đức Thắng là Hội Trưởng phong trào công nhân Sài Sòn- Chợ Lớn phát triển mạnh mẽ, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân ở Ba Son, tháng 8 năm 1925.

Năm 1926, đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên- tổ chức tiền thân của Đảng. Năm 1927, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Thành bộ Sài Gòn- Chợ Lớn và Kỳ bộ Nam Kỳ.

Cuối năm 1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt trong vụ án Bac-bi-ê. Tòa án thực dân Pháp kết án 20 năm khổ sai, đày ra Côn Đảo.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí trở về đất liền trong lúc thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Đồng chí bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu mới của đồng bào Nam Bộ và nhân dân cả nước.

Ngày 06 tháng 01 năm 1946, trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đồng chí được nhân dân Sài Gòn- Chợ Lớn bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1947, đồng chí được cử làm Tổng thanh tra của Chính phủ và quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Năm 1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, đồng chí được bầu làm Trưởng Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương.

Năm 1950, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Xô.

Năm 1951, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Được cử làm Phó trưởng Ban Dân vận- Mặt trận Trung ương.

Năm 1955, được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 7, được bầu là Chủ tịch danh dự Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam và được Đại hội Hòa bình thế giới bầu làm Ủy viên Hòa bình thế giới. Ngày 20/9, kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa I bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội.

Năm 1960 , tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tại kỳ họp đặc biệt Quốc hội khóa III, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1976, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI- Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng vinh dự được nhận Huân chương sao vàng- Huân chương cao quý của nước Việt Nam, Huân chương Lê-nin của nước Nga Xô Viết, Huân chương Soukhe- Bator của nước Mông Cổ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đồng chí Tôn Đức Thắng, hiến dâng cả đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đồng chí là một hình ảnh trong sáng của tinh thần cách mạng bất khuất và đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: Suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.

Do tuổi cao, sức yếu sau một thời gian bệnh nặng Người qua đời vào ngày 30/3/1980 tại Hà Nội, an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.

 

Nguồn: www.baotangtonducthang.com

 

Định hướng một số nội dung sinh hoạt Chi đoàn.

- Tổ chức sinh hoạt chuyên đề tháng 8/2019, triển khai tốt các hoạt động cho thiếu nhi như hội trại hè, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du khảo về nguồn…

- Tiếp tục triển khai, tổ chức các đội hình, các hoạt động chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2019; các Ngày chủ nhật xanh, thứ bảy tình nguyện hiệu quả.

- Tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi; tập hợp, đoàn kết và phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên, học sinh THPT tham gia sinh hoạt tại nơi cư trú.

- Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05 - CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị trong đoàn viên, thanh niên.

- Tuyên truyền cho ĐVTN về tấm gương sáng nói đi đôi với làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổ chức tọa đàm, xem phim tư liệu, tổ chức diễn đàn, thảo luận, các hoạt động văn hóa văn nghệ thể dục thể thao, tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến vĩ đại của Người.

- Tổ chức các hoạt động chào mừng Cách mạng tháng tám và Quốc khánh mùng 2/9; Tuyên truyền bối cảnh lịch sử, diến biến, kết quả, nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Những thành quả của Đảng và nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Tuyên truyền, kỷ niệm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2019); ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội. Ở các tỉnh Bắc Bộ đã thành lập Sở Liêm phóng, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc; Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2019).

 

Bản Quyền: Ban Tuyên giáo Thành Đoàn.

CÁC TIN LIÊN QUAN

Trang 1 2 3 4 5 >