TIN TỨC > TIN CHUYÊN NGÀNH

Có 57,681 người đã xem bài viết này!

Nhân tài Đất Việt - Bệ phóng thành công của startup Việt Nam

Sáng 9/9, hàng trăm sinh viên và startup tại Đà Nẵng đã hào hứng tham gia chương trình giao lưu “Nhân tài Đất Việt - Bệ phóng thành công của Startup Việt Nam”, với nhiều câu chuyện thú vị, nhiều ý tưởng xoay quanh Giải thưởng Nhân tài Đất Việt và những startup thành công.


Chương trình giao lưu "Nhân tài Đất Việt - Bệ phóng thành công của Startup Việt Nam" vừa diễn ra tại Đà Nẵng

Tham gia chương trình có các diễn giả là chuyên gia CNTT-VT , những startup nổi tiếng thành công trên thế giới và tại Việt Nam, các thí sinh từng tham gia Nhân tài Đất Việt (NTĐT), các nhà đầu tư - tuyển dụng...

 

Các khách mời tọa đàm giao lưu, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu và ý tưởng khởi nghiệp với các sinh viên và startup tại Đà Nẵng

Khởi nghiệp: Đừng bo bo giữ ý tưởng cho riêng mình

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, ông Đỗ Vũ Anh - Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam chia sẻ kỳ vọng, bằng các chủ đề thiết thực, những chia sẻ cởi mở, những bài học từ thực tiễn với những trải nghiệm thành - bại trên con đường khởi nghiệp, các chuyên gia, khách mời tham gia buổi giao lưu đem đến một cái nhìn xuyên suốt về khái niệm khởi nghiệp; đồng thời truyền cảm hứng để mỗi thanh niên, sinh viên mạnh dạn tham gia NTĐT 2016, mạnh dạn khởi động những ước mơ hoài bão của mình để biến ước mơ thành sự thật.

Ông Đỗ Hoài Nam - Sáng lập Emotiv, người có ảnh hưởng trong cộng đồng startup tại Silicon Valley chia sẻ, thường có mấy điểm mà nhiều người trẻ người hay hiểu sai về ý tưởng ví dụ như bí mật ý tưởng, điều đó làm hạn chế ý tưởng phát triển.

"Đừng bo bo giữ ý tưởng cho mình mà phải chia sẻ để tìm ra giải pháp thực thi hiệu quả trong cuộc sống. Không cần là sản phẩm ý tưởng, nhưng đưa ra để xem ý tưởng có được thực tiễn đón nhận hay không, có thực tế, hiệu quả hay không", ông Nam chia sẻ.

 

Ông Đỗ Hoài Nam - Sáng lập Emotiv, người có ảnh hưởng trong cộng đồng startup tại Silicon Valley chia sẻ kinh nghiệm và định hướng khởi nghiệp đến các bạn trẻ

Nhiều bạn nghĩ lầm rằng khởi nghiệp là để kiếm tiền. Khó có ai kiếm được tiền ngay khi khởi nghiệp. Mà khởi nghiệp là tạo ra những giá trị mới cho xã hội. Khởi nghiệp cũng không phải là một phong trào, ai cũng làm. Cũng không như nhiều bạn nghĩ khởi nghiệp để tìm một không gian làm việc tự do, không phụ thuộc vào người khác, thích làm gì thì làm. Điều này không phải. Đã khởi nghiệp là ngủ dậy đã lao vào việc cho đến khi mệt mới nghỉ, không có tự do sung sướng như các bạn hiểu. Đã khởi nghiệp không có chuyện không làm được mà chưa làm được, phải bền bỉ và chắc chắn rằng mình đã sẵn sàng chưa.

Là một startup thành công và cũng là một nhà đầu tư cho các startup, ông Đỗ Hoài Nam chia sẻ: Có một luật bất thành văn của một doanh nghiệp thành công là không bao giờ đầu tư cho một cá nhân mà phải có một nhóm. Cần tìm được những cộng sự cùng mình thực thi ý tưởng. Việc tìm được người cộng tác cũng cần cái duyên như đi tìm người yêu. Cần tìm những người đồng chí hướng, tạo nên một sức mạnh lớn.

Ông Đỗ Hoài Nam đặc biệt nhắn nhủ đến các bạn trẻ: “Các bạn có tuổi trẻ. Khi ta còn trẻ là lúc lý tưởng nhất để khởi nghiệp. Về sau, chúng ta chỉ hối hận về những điều chưa làm được chứ không phải những điều đã làm khi còn trẻ. Mình phải làm mọi cách để thực thi ý tưởng và tương lai phái trước chúng ta chẳng có gì phải sợ. Thời gian đầu có thể không kiếm được nhiều tiền hay vấp ngã hết lần này đến lần khác. Nhưng đó là cách mà chúng ta ngày càng trưởng thành. Và điều này cũng là một điểm cộng thu hút các nhà đầu tư với một người không ngại thất bại, không ngừng tiến lên”.

Ông Nam cho biết mình rất thích những cuộc thi như NTĐV. Tham gia những cuộc thi như NTĐV là cách để mọi người đưa ý tưởng ra, tìm cách giải thích cho mọi người hiểu được ý tưởng, và sự cọ xát là cách để khởi nghiệp thành công với ý tưởng của mình tương lai.

Mạnh dạn tham gia NTĐV, thêm cơ hội khởi nghiệp thành công

Nhiều năm liền là Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng NTĐV, ông Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam chia sẻ rất ấn tượng với các tác giả/nhóm tác giả được NTĐV vinh danh khi còn rất trẻ.

Trong số đó, nhiều tác giả/nhóm tác giả đoạt giải về sau đã trở thành những startup rất thành công: Tác giả Hùng Trần từng đoạt giải Ba NTĐV và hiện là một startup rất thành công. Nhiều sản phẩm ứng dụng thành công trong thực tiễn như websosanh, vexere. Hay như mạng wifi ở sân bay đầu tiên là của một nhóm sinh viên Bách khoa...

 

 Ông Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam chia sẻ rất ấn tượng với những người trẻ từng tham gia, đoạt giải ở NTĐV và khởi nghiệp thành công

SV Nguyễn Đình Tuân - ĐH Bách khoa Đà Nẵng tham dự buổi giao lưu bày tỏ băn khoăn liệu có rằng việc tham gia những cuộc thi như NTĐV thì sinh viên có những lợi ích gì? Và một sinh viên vừa ra trường thì nên khởi nghiệp hay đầu quân cho những doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

 

Các sinh viên tham gia buổi giao lưu đặt nhiều câu hỏi về NTĐT và cơ hội khởi nghiệp thành công.

Chia sẻ với băn khoăn này, PGS.TS Lê Thị Kim Oanh - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Đà Nẵng nhấn mạnh khi đặt câu hỏi tức là bạn đã có câu trả lời. Nếu không tham gia thì bạn sẽ không có cơ hội nào cả. Còn khi tham gia NTĐV có thể bạn chưa thành công, chưa đoạt giải nhưng chắc chắn là có cơ hội được chia sẻ ý tưởng của mình, có cơ hội được học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực, được cọ xát thực tế, và thêm cơ hội thành công khi khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Long cũng khuyến khích các bạn trẻ: “Dù sản phẩm của bạn chưa thành công hay chưa đạt giải thưởng tại NT ĐV cũng nên mạnh dạn đem tới dự thi, chỉ cần lọt vào vòng chung khảo, giá trị truyền thông mang lại cho sản phẩm rất lớn. Cùng với đó, những đánh giá mang tính chuyên môn của giám khảo sẽ giúp các bạn hoàn thiện thêm sản phẩm cũng như vạch tiếp con đường đi đúng đắn cho chính mình.”

Về băn khoăn của sinh viên khi ra trường thì nên khởi nghiệp ngay hay là đầu quân cho những tập đoàn, doanh nghiệp lớn, ông Đỗ Vũ Anh - đại diện VNPT nói với các bạn trẻ rằng quỹ thời gian của đời người rất ngắn, thay vì đợi đến khi tốt nghiệp ra trường rồi mới đi làm, khởi nghiệp mà hãy startup ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học đi đôi với hành. Và với những ý tưởng, sản phẩm công nghệ tiềm năng của sinh viên thì các tập đoàn lớn như VNPT sẵn sàng hỗ trợ đầu tư để phát triển ý tưởng, đưa sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Nhiều sinh viên nói rằng sợ sẽ lãng phí chất xám nếu ý tưởng khởi nghiệp thất bại, startup người Việt thành công nổi tiếng thế giới Đỗ Hoài Nam nhấn mạnh lại rằng đừng bao giờ ngại thất bại, lãng phí chất xám. Để có được thành công, một người không chỉ có thể đã trải qua nhiều lần thất bại của chính mình mà còn phải học hỏi từ sự thất bại của nhiều người khác.

Ông Nam cũng lưu ý các bạn trẻ, việc tham dự các buổi giao lưu với những người thành công, đọc sách của những người thành công là cần thiết. Mỗi người phải tự bắt tay vào làm, tự trải nghiệm va chạm thực tế để tìm ra con đường đi tới thành công của chính mình, không ai dạy được ai phải làm thế nào để thành công.


Nhà báo Phạm Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Dân trí - Phó Trưởng Ban tổ chức chia sẻ về NTĐV 2016 tại buổi giao lưu

Với câu hỏi của sinh viên Nguyễn Thị Thùy An đang học ngành môi trường rằng NTĐV có phải chỉ là sân chơi cho sinh viên ngành CNTT, sinh viên các ngành khác có cơ hội tham gia hay không? Nhà báo Phạm Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập báo Dân trí - Phó Trưởng Ban Tổ chức NTĐV 2016 chia sẻ, được khởi xướng bởi Hội Khuyến học Việt Nam từ năm 2005, lĩnh vực CNTT-VT là một trong những lĩnh vực đầu tiên mà Giải thưởng NTĐV vinh danh. NTĐV được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Và với sự chỉ đạo của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ các mùa NTĐV trước, NTĐV đã mở thêm Khoa học công nghệ, Y dược và Môi trường. Với tinh thần nhân tài có ở khắp các lĩnh vực, NTĐV khuyến khích và chào đón tất cả mọi người tham gia.

Nhà báo Phạm Tuấn Anh cũng chia sẻ quan điểm đồng tình với ông Đỗ Hoài Nam rằng giải thưởng trong lĩnh vực CNTT- VT, thực tế cũng có sự liên kết chặt chẽ với các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Ví dụ như Uber đã thành công với việc đưa ứng dụng công nghệ vào việc vận hành hoạt động của mình. Chắc chắn dù làm gì ở lĩnh vực nào thì cũng cần tới những ứng dụng công nghệ thông tin để hiệu quả hơn.

Thời gian nhận bài dự thi lĩnh vực CNTT từ ngày 21/11/2015 đến hết ngày 30/09/2016; Công tác chấm giải từ ngày 01/10/2016 đến ngày 19/11/2016; Lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 20/11/2016, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Thời hạn đăng ký tham gia lĩnh vực CNTT đến hết ngày 30/9/2016. Nơi nhận hồ sơ đăng ký: Công ty Phát triển dịch vụ Truyền thông (VNPT - Media), tầng 2, 57 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội.

Các thông tin về Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2016 sẽ được đăng tải đầy đủ trên website chính thức của Giải thưởng tại địa chỉ: http://nhantaidatviet.vnpt.vn , địa chỉ http://dantri.com.vn và http://vnmedia.vn

K.Hiền -K.Hồng

(Theo http://dantri.com.vn)

CÁC TIN LIÊN QUAN

Trang 37 38 39 40 41 42 43 44 45