TIN TỨC > TIN CHUYÊN NGÀNH

Có 52,938 người đã xem bài viết này!

Kết quả điều tra khách hàng sử dụng di động năm 2014

Sự thay đổi nhanh chóng về các thiết bị di động cũng như các hoạt động kết nối đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta, với khoảng 1,8 tỷ bức ảnh được tải lên mạng xã hội mỗi ngày và ước tính khoảng 12 tỷ thiết bị có kết nối Internet tính tới cuối năm 2014. Sự tăng trưởng này đã có tầm ảnh hưởng lớn tới nhiều ngành công nghiệp, từ ngân hàng, phong cách sống cho tới viễn thông, công nghệ và truyền thông.

Để hiểu được những yếu tố thúc đẩy người dùng lựa chọn, kết nối và sử dụng thiết bị di động của họ, Deloitte đã tổ chức cuộc điều tra thường niên về thói quen người sử dụng di động kể từ năm 2011. Đây là lần thứ 4 cuộc điều tra được tổ chức tại 22 quốc gia, 4 châu lục và 37.000 đáp viên. Các quốc gia nằm trong danh sách khảo sát gồm có: Mỹ, Columbia, Nauy, Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan, Anh, Đức, Pháp, Ukraine, Ý, Tây Ban Nha, Israel, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Singapore, Indonesia và Úc.

Dưới đây là một số kết quả tóm tắt của cuộc điều tra năm 2014.

 Thiết bị

Số lượng người sử dụng smartphone và máy tính bảng cao nhất tại Sinapore, thấp nhất tại Phần Lan. Trong số đó, phần lớn những người sở hữu smartphone và máy tính bảng nằm trong độ tuổi từ 18 tới 24. So với năm 2013, số lượng người trong nhóm tuổi này đã tăng từ 82% lên 91%. Tuy số người trên 55 tuổi có tỉ lệ thấp khi sở hữu các sản phẩm này, nhưng điều đáng ngạc nhiên là tỉ lệ này cũng đã tăng từ 35% của năm 2013 lên 56% của năm 2014.

 

Với sự ra mắt của những sản phẩm màn hình lớn như iPhone 6 Plus, năm 2014 là năm mà phablets đang trở thành xu hướng.  Trong 12 tháng tới, Singapore hứa hẹn vẫn là nước tiêu thụ nhiều sản phẩm này hơn khi có tới 24% số người được hỏi dự kiến sẽ mua. Tiếp theo sau đó là Hàn Quốc (22%), Tây Ban Nha (17%), Ý (11%), Đức (9%)…

Về các thương hiệu, Samsung đang dẫn đầu về mặt thị phần, trong khi Apple lại có độ trung thành lớn nhất. Huawei thông báo mức tăng trưởng 120% trong mảng thiết bị tại châu Âu và trở thành thương hiệu lớn thứ 3 trên thế giới, bỏ rơi Nokia, HTC và LG lại đằng sau. Hệ sinh thái của Apple vẫn có sức mạnh lớn, có tới 52% người dùng iPhone sở hữu thêm một chiếc iPad, trong khi chỉ có 6% dùng máy tính bảng Samsung.

 

Hơn 50% khách hàng sử dụng Samsung, Nokia và các loại điện thoại khác chỉ thay điện thoại sau khi bị hỏng, trong khi người dùng iPhone lại có xu hướng mua mẫu điện thoại mới nhất dù chiếc điện thoại cũ chưa bị hỏng. Nokia là hãng điện thoại “nồi đồng cối đá” nhất, bởi vậy mà người dùng hãng này chỉ có 1% muốn mua model mới nhất, còn có tới 61% đợi đến khi điện thoại hỏng mới thay.

 

Kể từ năm 2013, người dùng bắt đầu quan tâm tới vấn đề giá cả khi mua sắm, bao gồm giá thiết bị và hợp đồng đi kèm nhiều hơn là thương hiệu. Trong số những người được khảo sát, có tới 37% quan tâm tới giá thiết bị, 32% quan tâm tới hợp đồng, 26% quan tâm tới chất lượng pin, 19% quan tâm tới kết nối Internet và chỉ có 16% và 14% lần lượt quan tâm tới thương hiệu cũng như thiết kế của mẫu điện thoại. Con số quan tâm tới thương hiệu giảm hơn rất nhiều so với 34% của năm 2013.

Kết nối

Phần lớn người dùng thích kết nối mạng qua wifi, trong khi những người dùng phablet lại sẵn sàng kết nối 4G. Với nhu cầu được kết nối wifi miễn phí, trong năm 2014, rất nhiều người gặp phải trường hợp “sốc hóa đơn” do vượt lưu lượng data trên di động đem lại.

 

Tại các nước được điều tra (hầu hết là các nước có thu nhập cao), khách hàng cho biết 4G vẫn quá đắt, và mặc dù 4G được coi là có tốc độ cao hơn wi-fi nhưng họ vẫn chưa sẵn sàng chuyển sang 4G. Theo một chuyên gia của TMT Industry, nếu nhà mạng bắt buộc phải thiết kế mức giá 4G cao để bù đắp vào khoản đầu tư băng tần, phần cứng và mạng back-haul, thì họ cũng cần phải cung cấp một gói cước gồm thiết bị 4G giá trung bình hoặc thấp, kèm theo ít nhất 1GB dữ liệu trên thị trường. Khi mà phần lớn khách hàng đã được trải nghiệm tốc độ của 4G, thì họ mới ít có xu hướng quay trở lại với Wifi. Theo khảo sát của Deloitte, chỉ có 5% khách hàng rất sẵn sàng đăng ký gói cước 4G trong vòng 12 tháng tới, trong khi có tới 35% nhất định không đăng ký và 20% trả lời là không biết.

 

Nguyên nhân khiến họ không muốn dùng 4G gồm có giá cao (32%), chỉ cần tốc độ truy cập mạng như hiện tại (27%), Thích wifi hơn (22%), giá thiết bị 4G quá đắt (12%)…Các khách hàng có kết nối 4G thì 1/3 trong số đó sử dụng ít hơn 1GB mỗi tháng, 1/3 chỉ dùng từ 1GB đến 3GB data. Tại các nước có thu nhập cao như vậy mà phải dè chừng khi sử dụng 4G, thì ta có thể thấy các nhà mạng Việt Nam còn chần chừ trong dự án đầu tư 4G là hoàn toàn hợp lý.

Giá cước và thiết bị vẫn là lý do quan trọng nhất để người dùng chọn và chuyển nhà cung cấp. Trong đó, năm 2014, người ta quan tâm tới giá gói cước gồm điện thoại và dữ liệu đi kèm nhiều hơn so với năm 2013, trong khi chất lượng thoại lại giảm sút (chỉ có 7% quan tâm so với 9% của năm 2013). Ngoài ra, trái ngược với Việt Nam, số lượng người sử dụng duy nhất một Sim điện thoại đã tăng từ 8% năm 2013 lên 16% năm 2014.

Thói quen sử dụng

Có tới một nửa số người trong khoảng 18 – 24 tuổi kiểm tra điện thoại trong vòng 5 phút sau khi tỉnh giấc mỗi sáng. Lượng người kiểm tra điện thoại trong vòng 1 giờ sau khi tỉnh giấc là 89% trong khoảng 18 – 24 tuổi, 82% trong khoảng 24 -34 tuổi, 65% trong khoảng 35 – 54 tuổi, và 52% trong khoảng 55 – 70 tuổi. Như vậy điện thoại ngày càng trở thành một phần không thể thiếu đối với người dùng.

Hơn 10% số người trong khoảng 18 – 24 tuổi kiểm tra điện thoại 100 lần hoặc hơn 100 lần mỗi ngày, trong khi chỉ có 9% số người trên 65 tuổi không ngó ngàng gì đến máy của họ. Trung bình mỗi người kiểm tra điện thoại của mình 27 lần mỗi ngày, còn đối với nhóm trẻ tuổi là 50 lần mỗi ngày.

Email, mạng xã hội và ứng dụng trò chuyện là những ứng dụng phổ biến nhất.

 

Nguyên nhân khiến người dùng sử dụng ứng dụng trò chuyện nhiều là do giá rẻ hơn SMS (62%), bạn bè cũng đang sử dụng ứng dụng đó( 52%), dễ sử dụng hơn SMS (39%)…Nhìn chung, ứng dụng trò chuyện (IM) đang gây ảnh hưởng lớn tới SMS truyền thống. Nhận thức được điều này, một số nước (ví dụ như Pháp) đã cung cấp gói SMS không giới hạn, làm giảm lưu lượng sử dụng IM.

Mức chi phí mà người dùng chi trả cho mỗi ứng dụng là 0,47Euro. Khoảng 50% đáp viên cho biết không bao giờ mua ứng dụng mất phí, 32% không mua ứng dụng trong tháng gần đây, và chỉ có 5% mua các ứng dụng có giá từ 1 tới 5 Euro.

Điều này cho thấy tại các nước có thu nhập cao cũng không khác gì tại Việt Nam, người dùng thích những ứng dụng miễn phí và không muốn chi trả nhiều cho các ứng dụng có thu phí.

 

Kết luận: Xuất hiện từ năm 2007, smartphone đã trở thành một phần rất quan trọng của xã hội ngày nay. Con người có xu hướng không muốn rời xa chiếc smartphone hay máy tính bảng của mình, đó là một tiền đề quan trọng cho việc phát triển doanh thu từ mảng này. Tuy nhiên, để kiếm tiền từ các ứng dụng hoặc 4G, các nhà mạng cũng cần phải tìm hiểu kĩ thị trường, nhu cầu và thói quen của người sử dụng để đưa ra những gói cước phù hợp với thị trường.

CÁC TIN LIÊN QUAN

Trang 22 23 24 25 26 27 28 29 30