TIN TỨC > TIN CHUYÊN NGÀNH

Có 20,444 người đã xem bài viết này!

Đà Nẵng: Chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm

Đó là khẳng định của ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số TP Đà Nẵng - về định hướng chuyển đổi số của địa phương.


Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số TP Đà Nẵng

Hai năm liền (2021 và 2022), UBND TP Đà Nẵng đều được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards, đã cho thấy những nỗ lực của địa phương này trong tiến trình chuyển đổi số.

Để có cái nhìn toàn cảnh về chiến lược chuyển đổi số của thành phố này, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số TP Đà Nẵng.

“Nền tảng số” - giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số

- Liên tiếp 2 năm (2021 và 2022), UBND TP Đà Nẵng đã được tôn vinh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards ở hạng mục Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc, năm nay là với ứng dụng “Nền tảng Công dân số”. Chuyển đổi số đã đóng góp thế nào cho công tác quản lý điều hành và thúc đẩy phát triển Đà Nẵng, thưa ông?

Ông Lê Trung Chinh: Với quan điểm Nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số, hơn 1 năm qua, TP Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều nền tảng số khác nhau, để từng bước chuyển các hoạt động của cơ quan chính quyền, người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển 3 trụ cột chính là Chính quyền số - Xã hội số và Kinh tế số.

6 nền tảng số mà TP triển khai theo yêu cầu, hướng dẫn của Bộ TT&TT gồm: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu nội bộ TP (LGSP); nền tảng Kho dữ liệu dùng chung (giai đoạn 1); nền tảng Cổng Dịch vụ công; nền tảng Báo cáo điện tử và điều hành; nền tảng Hệ thống eGov; nền tảng họp trực tuyến.

Bên cạnh đó là 7 nền tảng dùng chung của Đà Nẵng triển khai thêm gồm nền tảng quan trắc; nền tảng giám sát đỗ xe; nền tảng giám sát tàu thuyền; nền tảng giám sát hành trình xe; nền tảng Cổng dữ liệu mở; nền tảng Ứng dụng di động đa dịch vụ, tiện ích Da Nang Smart City; nền tảng công dân số My Portal.

Đối với “Kho dữ liệu dùng chung”, ứng dụng này đã giúp giải quyết bài toán về dữ liệu; đảm bảo dữ liệu được chuẩn hóa, đầy đủ, chính xác, phục vụ phân tích dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định và chia sẻ cho các cơ quan khai thác, sử dụng.

Đối với Nền tảng công dân số, đây là nơi thu nhận/lưu trữ/cung cấp Hồ sơ công dân số (thông tin hành chính, giấy tờ/dữ liệu số, các giao dịch… gắn với định danh duy nhất).

Với ứng dụng này, mỗi người dân sẽ có 1 mã QR duy nhất (theo chuẩn toàn quốc) và tích hợp các dịch vụ số từ chính quyền, doanh nghiệp để người dân sử dụng dễ dàng, thuận lợi (kế thừa lại thông tin/dữ liệu trước đó, sử dụng dịch vụ qua mạng hoàn toàn theo hướng cá nhân hoá), cũng như tự quản lý các thông tin, dữ liệu số của mình.

Đến nay, nền tảng công dân số đã có hơn 240.000 tài khoản/hồ sơ của người dân và Tổ công nghệ số cộng đồng/đoàn thanh niên sẽ là lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký mới, hoặc bổ sung thông tin

Nhờ đưa vào sử dụng các sản phẩm số (nền tảng số, dữ liệu số, dịch vụ số), trong đó có Kho dữ liệu dùng chung và Nền tảng công dân số, đã góp phần để TP nâng cao hiệu quả hoạt động và công tác quản lý điều hành của các cơ quan, từng bước chuyển từ môi trường truyền thống sang môi trường số (xử lý hồ sơ trực tuyến, giám sát chỉ đạo trực tuyến, tổng hợp báo cáo trực tuyến, theo dõi công việc lãnh đạo giao, phát hiện và xử phạt nguội vi phạm giao thông...); bắt đầu triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng dịch vụ số (sử dụng dữ liệu số để thay thế thành phần hồ sơ TTHC giấy phải nộp;...); cung cấp nhiều dịch vụ, tiện ích thông minh cho người dân, doanh nghiệp (tra cứu thông tin đất đai, quy hoạch, đỗ xe, nguồn gốc thực phẩm, học bạ điện tử, bước đầu sử dụng hồ sơ sức khoẻ điện tử trong khám chữa bệnh, thanh toán điện tử,...).

Đặc biệt, nhiều nền tảng đã phát huy hiệu quả trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, như nền tảng Kho dữ liệu dùng chung, Cổng dữ liệu mở và app Da Nang Smart City, hỗ trợ triển khai nhanh các ứng dụng như: Giấy đi đường QRCode, quản lý khai báo y tế điện tử...

Các nền tảng đã dần tạo được thói quen sử dụng các dịch vụ trên mạng trong các cơ quan, đơn vị và người dân. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân trên 20%/năm), dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của TP.

Kinh tế số đã có đóng góp khá cao trong tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng (theo đánh giá của Bộ TT&TT, kinh tế số năm 2021 chiếm tỷ trọng 12,57% GRDP TP; cao hơn tỷ trọng quốc gia là 9,6%). Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số đạt 2,27/1.000 dân (gấp 3 lần trung bình toàn quốc); 2 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng.

Xã hội số cũng dần hình thành và phát triển. Theo đánh giá của Bộ TT&TT, khoảng 85% dân số TP có điện thoại thông minh, hơn 99,5% hộ gia đình kết nối Internet băng rộng.

TP hiện có hơn 240.000 tài khoản công dân số (khoảng 40% dân số trưởng thành), tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt hơn 61% (gấp 1,3 lần trung bình toàn quốc); trung bình 2 tài khoản mạng xã hội/người dân; cơ bản mỗi người dân có 01 hồ sơ sức khoẻ điện tử kết hợp với mã (ID) duy nhất; mỗi học sinh có 1 mã (ID) duy nhất gắn với học bạ điện tử 59,53% người dân có kỹ năng số.

- Ông có thể chia sẻ định hướng của Đà Nẵng về sự phát triển của ứng dụng Nền tảng công dân số? Đến khi nào thì 100% công dân Đà Nẵng có tài khoản công dân điện tử, thưa ông?

Ông Lê Trung Chinh: Để ứng dụng Nền tảng công dân điện tử có thể phát triển, TP Đà Nẵng xác định phải có sự đóng góp từ cả người dùng và các cơ quan, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Do đó, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai Nền tảng công dân số với 2 nhiệm vụ chính, gồm: Triển khai đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP, mỗi cán bộ, công chức, viên chức đóng vai trò là công dân số gương mẫu, đi đầu tạo lập tài khoản công dân số cho mình và gia đình mình; tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, việc tuyên tuyền được thông qua mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng đã thành lập tại từng thôn, tổ dân phố với hơn 2.500 Tổ và 14.000 thành viên. Tổ công nghệ số cộng đồng với lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên và nhân viên doanh nghiệp công nghệ số sẽ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân” tạo lập tài khoản công dân số.


Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số TP Đà Nẵng đang trả lời phỏng vấn VietTimes

Cùng với công tác tuyên truyền, hướng dẫn, TP sẽ tiếp tục phát triển, nâng cấp, bổ sung các tính năng, dịch vụ, tiện ích trên nền tảng này để thu hút người dùng. Các cơ quan của TP sẽ tiếp tục xây dựng, hoặc tích hợp các dữ liệu số, dịch vụ số đã có cho người dân thông qua Nền tảng công dân số, tiến tới sử dụng nền tảng như kênh liên lạc đơn nhất, đầy đủ nhất, để cung cấp đầy đủ các dịch vụ Chính quyền số, Xã hội số cho người dân Đà Nẵng.

Ngoài ra, TP xác định việc cung cấp dịch vụ phải theo hướng tích hợp với các dịch vụ dữ liệu, ứng dụng được cung cấp từ bộ, ngành Trung ương (như CSDL quốc gia về dân cư, hộ tịch, bảo hiểm xã hội,...), để hạn chế thấp nhất việc phải sử dụng nhiều ứng dụng cùng lúc, cũng như phải khai báo lại nhiều thông tin khác nhau cho người sử dụng.

Kế hoạch đến hết năm 2022, cơ bản mỗi người dân trong độ tuổi lao động có tài khoản công dân số và hết năm 2025 cơ bản mỗi công dân Đà Nẵng có tài khoản công dân số và sử dụng trong sử dụng dịch vụ công và các giao dịch, giao tiếp.

Chuyển đổi số: lấy người dân làm trung tâm

- Ông có thể chia sẻ về vai trò, cũng như ý nghĩa của ứng dụng “Nền tảng Công dân số” đối với sự phát triển của TP, thưa ông?

Ông Lê Trung Chinh: Quan điểm của TP Đà Nẵng trong triển khai chuyển đổi số là lấy người dân làm trung tâm” Xã hội số được xác định là một trong 3 trụ cột chuyển đổi số của TP Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, việc hình thành Nền tảng công dân số là một trong những giải pháp để thúc đẩy quá trình tham gia của người dân vào quá trình hình thành xã hội số. Đặc biệt là trong việc tương tác, sử dụng các giải pháp chuyển đổi số được cơ quan nhà nước cung cấp.

Nền tảng công dân số không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình sử dụng dịch vụ của người dân mà còn giúp cơ quan nhà nước có định hướng, đầu mối để nâng cấp, phát triển các dịch vụ số của mình một cách phù hợp, dễ dàng nhất.

Việc ưu tiên cung cấp Nền tảng chuyển đổi số quốc gia cho thấy Đà Nẵng đang ưu tiên để người dân được tiếp cận đầy đủ, sử dụng dịch vụ trực tuyến và theo dõi, đóng góp ý kiến cho các dịch vụ số, từ đó tạo động lực cho các cơ quan cung cấp dịch vụ phải xây dựng ứng dụng có trách nhiệm, có trọng tâm và tính thực tế cao nhất, từ đó thúc đẩy 2 trụ cột còn lại (Chính quyền số và Kinh tế số) phát triển bền vững hơn.

- Để thực hiện chuyển đổi số toàn diện, TP cần có chính sách, mục tiêu chính và cách thức triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Trung Chinh: Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 và UBND TP đã ban hành Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 28/8/2021 ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định chuyển đổi số là động lực mới và là cơ hội để giải quyết các “điểm nghẽn”, cũng như tạo đột phá trong phát triển TP.

Đà Nẵng xác định mục tiêu đến năm 2025, TP sẽ thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước, kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP TP. Đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.

Đối với một số mục tiêu chính, đến năm 2025, Đà Nẵng sẽ có 100% cơ quan nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở và sử dụng dữ liệu số; mỗi người dân độ tuổi lao động có điện thoại thông minh, có tài khoản số, hồ sơ sức khoẻ điện tử; mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh có tài khoản số và có sử dụng ứng dụng chuyển đổi số; có 03 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân; tỷ trọng kinh tế số đóng góp GRDP TP tối thiểu là 20%…

Để triển khai chuyển đổi số thành công, cần có nhiều chính sách, trong đó chính sách tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Đà Nẵng sẽ tập trung hoàn thiện và triển khai, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt các cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, dân cư, hộ tịch; sử dụng, khai thác hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; phát huy biện pháp, cách thức triển khai cung cấp dịch vụ, thông tin qua điện thoại di động (Nền tảng DaNang Smart City) và mã QR như đã triển khai trong phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến; ưu tiên các nhiệm vụ, mục tiêu chuyển đổi số, nhất là đối với lĩnh vực y tế, giáo dục; chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương và xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc phối hợp trong kết nối, tích hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia do bộ, ngành triển khai, đưa về Kho dữ liệu TP và chia sẻ cho các cơ quan, đơn vị dùng chung để phân tích, dự báo, phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công của TP; nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ công tác tham mưu, tư vấn, quản lý vận hành hệ thống chính quyền số, hệ thống điều hành thông minh; tăng cường thu hút các chuyên gia công nghệ số, nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao đến sinh sống và làm việc tại TP; ưu tiên tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, an toàn thông tin…

- Là địa phương 2 lần giành Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam, ông có thể cho biết ý kiến về Giải thưởng này?

Ông Lê Trung Chinh: Giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam” được triển khai từ năm 2018, của Hội truyền thông số Việt Nam (do nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng làm Chủ tịch), do Bộ TT&TT (cơ quan chủ trì triển khai Chuyển đổi số Quốc gia) bảo trợ, Chủ tịch và các thành viên Hội đồng xét giải là các lãnh đạo, các chuyên gia chuyên môn, có uy tín (như TS. Nguyễn Quân – nguyên Bộ Trưởng Bộ KHCN); việc xét giải có quy trình, có tổ chức bảo vệ, trình bày bài bản, công khai, minh bạch.

Các sản phẩm đã được Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam đều giải quyết nhiều bài toán lớn, mới, được triển hiệu quả và lan toả ở các ngành, địa phương. Đà Nẵng là một trong những địa phương xác định chuyển đổi số là “chìa khoá” để giải quyết các "điểm nghẽn" trong phát triển, thúc đẩy phát triển KT-XH, đặc biệt là tạo ra không gian, ngành, lĩnh vực mới.

Sau 2 năm liên tiếp được trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam, năm nay, Đà Nẵng tiếp tục được vinh danh ở hạng mục Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc với sản phẩm Nền tảng công dân số. Đây là sự ghi nhận nỗ lực của TP trong triển khai chuyển đổi số, đặc biệt là sử dụng dữ liệu số trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công cho người dân, lấy người dân là trung tâm của quá trình chuyển đổi số tại TP Đà Nẵng.

Trong thời gian qua, từ cơ quan nhà nước tới các doanh nghiệp đều nỗ lực tái cấu trúc quy trình, áp dụng các công nghệ số và dữ liệu số vào hoạt động thường nhật. Đà Nẵng là một trong những tỉnh thành dẫn đầu cả nước nhiều năm liền về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Và trong tháng 9/2022, TP Đà Nẵng đã tổ chức sơ kết, đánh giá 1 năm triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ về chuyển đổi số.

Do vậy, Giải thưởng Chuyển đổi số xuất sắc được trao cho TP Đà Nẵng là một nguồn khích lệ lớn của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân Đà Nẵng; tạo động lực và niềm tin để góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cũng như Quyết định số 749 của Thủ tướng chính phủ về "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030".

Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022 sẽ tiếp thêm động lực, niềm tin cho các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức TP trong hành trình triển khai chuyển đổi số trong 5-10 năm đến; vì quá trình chuyển đổi số của TP mới khởi đầu, còn rất nhiều nhiệm vụ phải làm theo nhu cầu của người dân và yêu cầu phát triển của TP.

Tôi chúc cho Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam luôn duy trì được sức hút, tìm ra nhiều cơ quan, doanh nghiệp tiêu biểu để tôn vinh.


viettimes.vn

CÁC TIN LIÊN QUAN

Trang 21 22 23 24 25 26 27 28 29