TIN TỨC > TIN CHUYÊN NGÀNH

Có 59,147 người đã xem bài viết này!

Công nghệ thông tin sẽ trở thành một ngành mạnh của VNPT

Bên cạnh ba trụ cột hiện nay là hạ tầng, dịch vụ và kinh doanh, trong thời gian tới VNPT sẽ hình thành đơn vị trụ cột thứ tư là công nghệ thông tin (CNTT) để tập trung nguồn lực hơn nữa, chiếm lĩnh thị trường. Đơn vị này dự kiến sẽ trực thuộc tập đoàn giống như VNPT Net hiện nay. Đây là chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng.

Sau hai năm tái cấu trúc, VNPT đã hình thành ba tổng công ty, đóng vai trò là ba trụ cột chính của Tập đoàn. Song song với việc sắp xếp lại cấu trúc tinh gọn hơn, phân rõ chức năng nhiệm vụ của các đơn vị, VNPT đã có những bước chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu tăng trưởng, từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang phát triển, cung cấp các sản phẩm dịch vụ VT-CNTT. Sự chuyển dịch đó bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, các giải pháp CNTT của VNPT đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Ví dụ, hệ thống cổng thông tin điện tử và hệ thống hành chính công một cửa đã được triển khai tại hơn 40 tỉnh thành; Phần mềm quản lý bệnh viện VNPT HIS đã được triển khai tại gần 5.470 cơ sở y tế trên toàn quốc, hỗ trợ hơn 100.000 lượt khám chữa bệnh mỗi ngày; hệ thống quản lý trường học VnEdu phát triển tốt với hơn 9.100 trường sử dụng, hỗ trợ liên lạc giữa nhà trường với gần 4 triệu học sinh, 1,2 triệu account sổ liên lạc điện tử; hệ thống quản lý văn bản điều hành đang được sử dụng bởi các cơ quan lớn như Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Xây dựng...; mô hình Smart city đang được lựa chọn triển khai tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Phú Quốc, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh…

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng tại hội nghị.

“Với thực tế hiện nay, mảng dịch vụ CNTT của VNPT đã phát triển khá nhanh và mạnh, với nhiều yêu cầu mới từ thị trường. Vì vậy, trong thời gian tới đây, VNPT sẽ tái cấu trúc khối CNTT theo hướng xây dựng một đơn vị mạnh, tập trung tại Tập đoàn để phát huy các nguồn lực và phát triển mảng dịch vụ CNTT. Đơn vị này sẽ trực thuộc Tập đoàn giống như VNPT-Net hiện nay”, ông Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Ngoài việc thay đổi về mặt tổ chức, VNPT cũng đang gấp rút thực hiện các giải pháp để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT. VNPT đã điều chuyển gần 2.000 nhân lực viễn thông sang đào tạo các kỹ năng về CNTT và con số này sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Tập đoàn cũng đang tiến hành hợp tác với nhiều trường đại học, cao đẳng lớn trong lĩnh vực VT-CNTT trên cả nước như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Khoa học Tự nhiên, Cao đẳng nghề Cần Thơ… để thu hút nguồn lực mới, nguồn lực trẻ chất lượng cao cũng như đào tạo cho nguồn lực hiện có.

Khách hàng tham quan các sản phẩm, dịch vụ của VNPT/ Ảnh minh họa.  

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long, sau khi trải qua quá trình tái cơ cấu với 3 giai đoạn, Tập đoàn VNPT đã chuyển dịch từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và CNTT. Hình thành Công ty VNPT Soft - đơn vị chủ lực, chuyên trách về CNTT. Đã thực hiện thoái vốn trên 31% tổng giá trị vốn đầu tư trên sổ sách, thực hiện đổi mới sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp.

Với việc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm dịch vụ sang CNTT, Tập đoàn VNPT cần khẩn trương đào tạo chuyển hệ nguồn nhân lực từ viễn thông sang CNTT. Nhu cầu nhân lực điện tử viễn thông giảm 18-20% trong thời gian tới trong khi nhu cầu nhân lực CNTT không ngừng gia tăng.

Ông Trần Mạnh Hùng cho biết, sắp tới VNPT sẽ tiến hành tái cơ cấu khối CNTT để CNTT sẽ thực sự trở thành một ngành mạnh của VNPT bên cạnh hạ tầng, kinh doanh, dịch vụ giá trị gia tăng. Ông Trần Mạnh Hùng cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ của Bộ TT&TT về việc thành lập một đơn vị trực thuộc Tập đoàn phụ trách về CNTT thay vì nằm rải rác tại 64 tỉnh, thành như hiện nay.

PV

(Theo vnpt.vn)

Trang 37 38 39 40 41 42 43 44 45